Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ tại chương trình
Tới tham dự chương trình có ông Nguyễn Xuân Phúc – Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương; ông Nguyễn Thiện Nhân – Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương; cùng lãnh đạo các Bộ, ban ngành, các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương và đông đảo doanh nhân đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trên cả nước.
Tập trung vào những khâu khó, việc khó
Tại lễ phát động, Bà Trần Thị Hà – Trưởng Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương cho biết, trong những năm qua phong trào thi đua khen thưởng đã góp phần tích cực vào sản xuất kinh doanh, an sinh xã hội của đất nước. Các doanh nghiệp trong cả nước đã tổ chức nhiều phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả với tiêu chí phù hợp với từng loại hình hoạt động. Thông qua các chương trình thi đua đã góp phần tăng năng suất, hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, phát huy sáng kiến, sáng tạo của doanh nghiệp, đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, tăng thu nhập cho người lao động.
“Doanh nghiệp, doanh nhân với các phong trào thi đua đã tạo những đột phá trong sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho người lao động, tăng giá trị kinh tế, góp phần vào công cuộc đổi mới đất nước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, doanh nhân còn tích cực tham gia các phong trào thi đua, cuộc vận động đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng và bảo vệ môi trường. Ủng hộ 1.000 tỷ đồng chăm lo các gia đình chính sách, quỹ học bổng cho các học sinh nghèo, vùng sâu vùng xa. Các doanh nghiệp cũng hỗ trợ trên 3.000 tỷ đồng cho các hộ nghèo góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế cho các hộ miền núi”.
Bà Trần Thị Hà – Trưởng Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương báo cáo kết quả thi đua của doanh nghiệp giai đoạn 2011 – 2015 và nhiệm vụ giai đoạn 2016
Bà Hà cũng cho biết, 9 tháng đầu năm 2016 có hơn 100.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 1.000.000 doanh nghiệp hoạt động theo tinh thần Nghị quyết 35 của Chính phủ.
Theo bà Hà, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2015 – 2020 sẽ là: Tiếp tục xây dựng đội ngũ doanh nghiệp lớn mạnh; tiếp tục quán triệt, tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư gửi giới công thương ngày 13/10/1945; đổi mới nội dung các phong trào thi đua gắn với sản xuất kinh doanh, tập trung vào những khâu khó, việc khó; đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến tại các doanh nghiệp.
3 đồng hành, 5 hỗ trợ
Phát biểu tại chương trình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, phong trào thi đua yêu nước trong thời gian qua đã phát triển mạnh mẽ, sâu rộng góp phần quan trọng vào khối đại đoàn kết toàn dân và giành được thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Hiện nay nước ta có gần 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động. 9 tháng đầu năm 2016 có thêm rất nhiều doanh nghiệp thành lập mới là điều đáng mừng trong việc cải thiện môi trường đầu tư, tạo được niềm tin trong kinh doanh. Phấn đấu đến năm 2020 cả nước có 1.000.000 doanh nghiệp, nhưng không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng doanh nghiệp cũng phải cải thiện mạnh mẽ.
“Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới đòi hỏi nền kinh tế Việt Nam cũng phải có bước chuyển về chất lượng để cạnh tranh và phát triển bền vững. Chính phủ quyết liệt đổi mới, không thể tiếp tục tư duy cách làm cũ chỉ khai thác tài nguyên hay lao động giá rẻ. Việt Nam cần phát triển, bước lên tầm cao hơn để tham gia được chuỗi giá trị toàn cầu do vậy doanh nghiệp cần bắt nhịp được những chuẩn mực khu vực và quốc tế, phải năng động để vươn ra biển lớn. Chúng ta phải hết sức mình để doanh nghiệp lớn mạnh trên sân nhà, và vươn ra thế giới” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng chia sẻ, Chính phủ mong các doanh nghiệp, doanh nhân hãy khát khao làm giàu để xây dựng đất nước Việt Nam giàu có thịnh vượng. Chủ trương của Chính phủ là nuôi dưỡng, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt có năng lực cạnh tranh trên thương trường quốc tế, mang tầm khu vực và thế giới, thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị phân phối toàn cầu.
Thủ tướng cũng đề nghị các bộ ngành địa phương thực hiện 3 đồng hành và 5 hỗ trợ gồm: Thứ nhất, đồng hành cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh; Thứ hai, đồng hành trong hoàn thiện thể chế, pháp luật trong các lĩnh vực: Xuất nhập khẩu, thuế, đất đai, tín dụng đảm bảo công khai minh bạch, giảm chi phí cho người dân, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho doanh nhân; Thứ ba, đồng hành xây dựng, thực hiện tốt cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nghiệp nhất là về thực hiện chính sách pháp luật, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, phát triển kinh tế vùng….
Năm hỗ trợ gồm: Thứ nhất, hỗ trợ khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo; Thứ hai, hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; Thứ ba, hỗ trợ tạo môi trường thuận lợi, bảo đảm quyền kinh doanh bình đẳng; Thứ tư, xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với doanh nghiệp; Thứ năm, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.
Tạo việc làm đàng hoàng cho người dân
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, măm 2016 sẽ đi vào lịch sử bởi đây là năm đầu tiên số lượng doanh nghiệp được thành lập mới ở Việt Nam vượt ngưỡng 100.000 doanh nghiệp. Điều này chứng tỏ niềm tin của giới kinh doanh đang được khơi dậy. Kết quả đột phá trong thành lập doanh nghiệp năm 2016 là “đóa hoa” của phong trào thi đua yêu nước của giới doanh nhân kính tặng Thủ tướng và Chính phủ.
TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI chia sẻ
Chủ tịch VCCI chia sẻ thêm, mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu – một tổ chức có thành viên tham gia từ trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới đã bình chọn và trao giải Quốc gia khởi nghiệp năm 2016 cho Việt Nam mà nguyên Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân là đại diện. Đây là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế cho những nỗ lực xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam mà Thủ tướng và Chính phủ đang là người thắp lửa. Năm 2015, giải này được trao cho Bộ trưởng KHCN của Hàn Quốc, một cường quốc về khởi nghiệp. Và năm 2016, giải thưởng này trao cho Chính phủ Việt Nam.
“Mặc dù vậy, chúng tôi hiểu, chặng đường cải cách còn rất gian nan. Để lời nói có thể thành hành động, để nghị quyết có thể đi vào cuộc sống đòi hỏi một quyết tâm chính trị rất cao. Và tôi tin, phong trào “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” mà Thủ tướng phát động hôm nay sẽ là một phong trào thiết thực tiếp lửa cho chương trình nghị sự cải cách của Nghị quyết 35”.
Cũng theo TS Vũ Tiến Lộc: “30 năm đổi mới, chúng ta vẫn chưa có được một thế hệ các nhà công nghiệp với những thương hiệu đạt đẳng cấp cao trong khu vực và trên thế giới. Xét về tổng tài sản, một số doanh nghiệp có quy mô tương đối lớn của Việt Nam đã được thế giới vinh danh, nhưng nhìn chung về hiệu quả và chất lượng thì còn nhiều việc phải bàn. Các đại gia của ta tới nay chủ yếu hoạt động trong khu vực tài chính ngân hàng, bất động sản và xây dựng… Tuyệt đại bộ phận doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, tính bài bản và chuyên nghiệp còn thấp so với các chuẩn mực toàn cầu. Hộ kinh tế gia đình vẫn là chủ thể kinh tế phổ biến trong khu vực nông nghiệp, nông thôn… Trước áp lực của hội nhập và cuộc cách mạng công nghệ số, muốn tiếp tục trụ vững và phát triển, cấu trúc và quản trị của hệ thống doanh nghiệp Việt phải thay đổi”.
Chủ tịch VCCI cũng kiến nghị Chính phủ hãy lấy tiêu chí giải quyết công ăn việc làm cho người lao động của các doanh nhân là một trong những chỉ tiêu chủ yếu đánh giá đóng góp của doanh nhân cho đất nước để có thể phong cho họ danh hiệu dũng sỹ, anh hùng.
“Tôi đề nghị nếu doanh nghiệp có thể tạo 10 việc làm đàng hoàng thì cấp xã nên ghi nhận, tạo 100 việc làm huyện sẽ tôn vinh, 1000 việc làm, tỉnh tôn vinh, ghi nhận, 1 vạn việc làm đàng hoàng Chính phủ tôn vinh họ là Dũng sỹ, Anh hùng… Tất nhiên là với điều kiện doanh nghiệp phải thực hiện tốt các 4 nhiệm vụ mà Thủ tướng đã giao” – TS Lộc đề xuất.
Cũng tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp trao tặng cúp Thánh Gióng cho các doanh nhân Việt Nam.
Theo báo DĐ DN