Điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất Việt Nam tiếp tục cải thiện mặc dù sản xuất tăng yếu so với tháng trước và hàng tồn kho tăng, chi phí đầu vào tăng.
Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) phối hợp cùng với công ty Markit Economics vừa công bốChỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất tại Việt Nam trong tháng 7/2014: "Sản lượng ngành sản xuất Việt Nam và đơn hàng mới tiếp tục tăng dù tốc độ chậm lại". Theo đó:
Chỉ số PMI điều chỉnh theo mùa tháng 7 đã giảm từ mức 52,3 điểm trong tháng 6 xuống cồn 51,7 điểm trong tháng 7. Đây là mức thấp nhất trong 4 tháng qua.
Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong tháng 7 tiếp tục tăng tháng thứ 10, mặc dù vậy tốc độ mở rộng sản xuất tăng chậm lại. Đơn hàng mới tiếp tục tăng cao, nhưng các doanh nghiệp lưu ý rằng số lượng doanh nghiệp mới tăng yếu hơn trong khi việc giữ chân nhân viên gặp nhiều khó khăn khiến cho tổng sản lượng sản xuất trong tháng qua không thể tăng mạnh hơn.
Tốc độ tăng trưởng đơn hàng mới chậm lại và tăng yếu nhất kể từ tháng 2/2014. Sự tăng trưởng đơn hàng mới chủ yếu nhờ sự tăng trưởng của đơn hàng xuất khẩu.
Bình luận về cuộc khảo sát chỉ số PMI™ ngành sản xuất Việt Nam, bà Trinh Nguyễn - Chuyên viên kinh tế - Ngân hàng HSBC cho biết:: "Ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục cho thấy dấu hiệu cải thiện trong tháng 7, mặc dù tốc độ có chậm hơn do tăng trưởng đầu ra yếu đi. Đơn đặt hàng xuất khẩu tiếp tục tăng đáp ứng nhu cầu từ thị trường nước ngoài. HSBC kỳ vọng số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới và nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tiếp theo".
Q. Nguyễn
Theo Trí Thức Trẻ