Châu Á thu hút 1/3 FDI thế giới

Ổn định chính trị, xã hội và viễn cảnh hội nhập kinh tế khu vực là động cơ đưa dòng chảy tư bản của thế giới về châu Á. Gần 30% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu đổ về châu Á trong năm 2013.

Trong lúc châu Âu đang mất khả năng cạnh tranh, Trung Quốc, Hàn Quốc và nhất là Đông Nam Á, trở thành những địa bàn hoạt động lý tưởng. Trên đây là nhận định của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD).

Tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài trên thế giới trong năm qua đã tăng thêm 9% so với tài khóa 2012, đạt 1.450 tỉ USD. Vào lúc mà cả Liên hiệp châu Âu lẫn Bắc Mỹ chỉ giành được 250 tỉ USD của số vốn đầu tư nói trên, thì phần đổ vào châu Á là 426 tỉ USD. Châu lục này chiếm đến gần 30% tổng số FDI của toàn cầu.

FDI: Trung Quốc thu hút nhiều nhất

Đứng đầu danh sách, đương nhiên vẫn là Trung Quốc với 124 tỉ USD không tính Hongkong và Đài Loan. Và như vậy, chỉ một mình Trung Quốc chiếm đến 1/3 tổng đầu tư nước ngoài hướng về các nền kinh tế đang trỗi dậy của toàn châu Á.

Để so sánh với một cường quốc khác của châu lục này là Ấn Độ, cùng thời kỳ, quốc gia đông dân thứ hai trên hành tinh chỉ thu hút được có 28 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tức chưa bằng một phần tư so với lượng vốn được dồn về Trung Quốc.

Dây chuyền sản xuất của Coca-Cola tại Trung Quốc
Điều khiến mọi người thắc mắc là tại sao đầu tư của thế giới vẫn ồ ạt đổ về Trung Quốc trong khi nền kinh tế thứ hai của thế giới đang phát đi những tín hiệu xấu. Tháng 3-2014, lần đầu tiên Bắc Kinh cảnh cáo nguy cơ nhiều doanh nghiệp bị phá sản. Thủ tướng Lý Khắc Cường thừa nhận Trung Quốc “đặc biệt quan tâm đến những rủi ro tài chính và những mối đe dọa do nợ chồng chất”. Tổng nợ của khu vực công và tư Trung Quốc đã lên tới hơn 200% GDP của nước này.

Nợ khó đòi của các ngân hàng Trung Quốc trong quý IV-2013 đã tăng thêm gần 5 tỉ USD, đạt ngưỡng cao nhất kể từ tháng 9-2008. Đến thời điểm đó, Trung Quốc trải qua chín quý liên tiếp chỉ số này gia tăng.

Công ty thẩm định tài chính Mỹ Standard & Poor’s ghi nhận là chất lượng tín dụng Trung Quốc giảm đi trong năm 2014 và các doanh nghiệp Trung Quốc đang ngồi trên một “núi nợ” 13.800 tỉ USD, tức là còn cao hơn cả mức nợ của Hoa Kỳ.

Về tiềm năng tăng trưởng, từ Ngân hàng Thế giới đến Quỹ Tiền tệ Quốc tế – IMF, từ báo cáo của các viện nghiên cứu nước ngoài đến thống kê chính thức của Bắc Kinh, tất cả đều cho rằng, GDP của Trung Quốc trong năm 2014 không vượt quá ngưỡng 7,3% và đây là mức thấp nhất trong gần một phần tư thế kỷ qua của quốc gia này. Vậy phải chăng là viễn cảnh kinh tế Trung Quốc hạ cánh không làm các nhà đầu tư nản lòng?

Nhật Bản, Hàn Quốc: hai số phận khác nhau

So với các nền kinh tế quan trọng khác của châu Á, Trung Quốc vẫn chiếm một vị trí áp đảo. Nhật Bản, nền kinh tế thứ ba toàn cầu, chỉ xếp hạng 10 trong báo cáo của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD). Tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Nhật Bản trong năm 2013 đạt 2,8 tỉ USD, tăng 60% so với năm 2012.

Các ngành công nghệ mũi nhọn của Nhật Bản vẫn có sức hấp dẫn cao. Nhưng một lần nữa, báo cáo của Liên Hiệp Quốc nhắc lại, dư âm của trận động đất và sóng thần năm 2011 cũng như tình trạng tê liệt của các nhà máy điện hạt nhân Nhật Bản đã khiến các nhà đầu tư xa lánh thị trường với 128 triệu dân này.

Một công trường xây dựng ở Tokyo, Nhật Bản
Riêng đối với Hàn Quốc, đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên không phải là một trở ngại trong mắt các nhà đầu tư quốc tế muốn chen chân vào quốc gia Đông Bắc Á này. Trong năm 2013, Hàn Quốc thu hút 12 tỉ USD vốn FDI, cao nhất kể từ năm 2000. Trong sáu tháng đầu năm 2014, tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Hàn Quốc đã tăng thêm 10 tỉ USD, tăng đến gần 40% so với hai quý đầu của năm 2013.

Trung Quốc, Singapore, Đài Loan là những nhà đầu tư châu Á quan trọng nhất của Hàn Quốc. Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu chiếm một vị trí khiêm tốn hơn. Seoul đề ra mục tiêu thu hút đến 17 tỉ USD FDI trong tài khóa 2014.

Việt Nam và tham vọng thu hút FDI

Báo cáo mới nhất của Liên Hiệp Quốc ghi nhận, FDI vào Việt Nam trong năm 2013 tương đương với 8,5 tỉ USD, tăng đôi chút so với thành tích của năm 2012 (8,4 tỉ USD). Trong cả hai tài khóa 2012 và 2013 Việt Nam đứng hạng 9 trong số 10 quốc gia châu Á đang phát triển được giới đầu tư quan tâm nhất.

Ngành công nghiệp nặng, bất động sản và du lịch của Việt Nam là những lĩnh vực đón nhận nhiều vốn nước ngoài hơn hết. Chỉ riêng khu vực địa ốc, báo cáo mới nhất từ Cục đầu tư nước ngoài cho thấy, TP. Hồ Chí Minh hút đến 56% tổng FDI vào địa ốc trên toàn quốc.

Địa ốc TP.HCM thu hút đến 56% FDI cả nước
Chính quyền Việt Nam không che giấu tham vọng đưa quốc gia này thành “điểm đến” thứ ba của FDI, tại châu Á – sau Trung Quốc và Ấn Độ. Nhưng theo thẩm định của Standard & Poor’s, để đạt mục tiêu đó, Việt Nam cần nâng cao khả năng cạnh tranh, cải tổ hệ thống pháp lý.

Sau cùng, sự yếu kém của hệ thống ngân hàng Việt Nam, trong mắt nhiều nhà đầu tư nước ngoài, là một trở ngại để biến quốc gia này thành một địa điểm thực sự hấp dẫn.

Theo thống kê trong nước, cho đến cuối năm 2013 trên toàn quốc có hơn 9.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động. Trên 3 triệu nhân công Việt Nam làm việc cho các hãng có vốn nước ngoài.

Ổn định chính trị, lợi thế của Đông Nam Á

Theo UNCTAD, tại Đông Nam Á, tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào 10 nước thành viên ASEAN trong năm 2013 tăng 7%. Singapore được coi là địa điểm có sức thu hút FDI cao nhất trong khu vực. Đã có 64 tỉ USD đầu tư vào đảo quốc nhỏ bé này, Singapore hấp dẫn hơn nhiều so với hai nước lân cận là Indonesia (19 tỉ USD) và Malaysia (22 tỉ).

Sự ổn định về chính trị giúp Myanmar thu hút FDI

Nhìn sang Thái Lan, bất ổn chính trị trong sáu tháng cuối năm là nguyên nhân khiến tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào quốc gia Đông Nam Á này chỉ đạt 13 tỉ USD, thấp hơn so với mong đợi của Bangkok.

Trái hẳn với bế tắc chính trị tại Thái Lan, Myanmar đang chuyển mình từ năm 2011. Trong năm qua, theo bảng xếp hạng của Liên Hiệp Quốc, thực sự thành công với kỷ lục 2,6 tỉ USD vốn FDI đầu tư. Riêng đối với Lào và Campuchia thì theo đánh giá của tổ chức UNCTAD, đầu tư ngoại quốc vào các nước này gần như không có gì thay đổi so với tài khóa 2012.

Giải thích về lý do khiến châu Á nói chung trở thành nơi có sức hấp dẫn hơn cả trong mắt các nhà đầu tư, kinh tế trưởng của UNCTAD ông Masataka Fujita nêu ra những yếu tố như sau:

Tiến trình hội nhập kinh tế của khu vực đã góp phần đẩy mạnh FDI vào Đông Nam Á cũng như vào Trung Quốc và Hongkong. Bên cạnh đó, các chương trình đầu tư vào hạ tầng cơ sở và phát triển công nghiệp trong khu vực là động cơ khiến vốn đầu tư nước ngoài ồạt đổ vào các quốc gia chậm phát triển nhất trong khối ASEAN, như là trường hợp đối với Lào, Campuchia hay Myanmar trong năm vừa qua.

Lợi thế sau cùng của châu Á là 10 thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á cùng sáu đối tác thương mại (Úc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand) đã ký kết hiệp định tự do mậu dịch với ASEAN, đang tiếp tục đàm phán để tới Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào cuối năm 2015 để hướng tới một thị trường với hơn 3 tỉ người, có tổng GDP lên tới khoảng 17 ngàn tỉ USD và chiếm tới 40% tổng thương mại toàn cầu.

Câu hỏi còn lại là liệu rằng các quốc gia kém phát triển nhất ở khu vực này có tận dụng đúng mức các khoản FDI đó làm đòn bẩy kinh tế hay không? Nhưng có điều chắc chắn là không một quốc gia đang trỗi dậy nào, muốn làm nản lòng các nhà đầu tư quốc tế.


LÊ QUÂN/DNSGCT
Theo

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - P.Thanh Xuân Trung - Q. Thanh Xuân - TP.Hà Nội

ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Email: [email protected]

Website: vacod.vn

Các đơn vị trực thuộc

Văn phòng Vacod miền trung - Tp Đà Nẵng

Địa chỉ: Số 278/4 Nguyễn Văn Linh - Thành phố Đà Nẵng
ĐT: 0236.3652692 - Fax: 0236.3653208

Văn phòng Vacod miền nam - Tp Hồ Chí Minh

Địa chỉ: Số 6A Phạm Đình Toái, Phường 6, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
ĐT: 0983358188

Công ty TNHH MTV Vacod

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Viện nghiên cứu phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Cơ quan ngôn luận: Tạp chí Thương Gia

Địa chỉ: Số 14, Khu 249A Thụy Khuê, Quận Tây Hồ, Hà Nội
ĐT: 0879 504 666 - Email: [email protected]
Website: https://thuonggiaonline.vn/