Hầu A Sáng người Mông ở thôn Trung Chải, xã Y Tý dẫn chúng tôi đi vào khu rừng già, nơi trồng thảo quả trên con đường mòn vẫn còn hằn dấu của đợt mưa tuyết tai hại.
Sáng đưa con dao rừng ngang bụng cho biết, tuyết rơi dày đến 60cm đọng trên các thửa ruộng hàng tuần mới chịu tan.
Hầu A Sáng vẫn còn tiếc rẻ công sức bên căn lán trong rừng già, nơi dùng để sấy khô quả thảo quả.
Hầu A Sáng bên những cây thảo quả đổ rạp vì tuyết đọng. Những gốc thảo quả được gieo trồng lâu công, 3 năm mới lớn được khoảng 1m, sau đó tiếp tục nhổ cây rồi mang trồng dưới tán rừng già thêm 3 năm nữa mới đến lúc thu hoạch quả.
Nhà Sáng trồng khoảng 3.000 gốc, đến nay được 10 năm, nhưng mới thu hoạch được 3 năm đã mất sạch vì băng tuyết.
Bụi cây thảo quả um tùm đã chết gãy gục, trong khi bước chân Hầu A Sáng phải đạp vào mà đi để lại mùi hương vẫn còn thơm sực.
1 tạ thảo quả có giá 12 triệu đồng. Năm ngoái Sáng thu hoạch được 1,4 tạ đem bán để mua xe máy, hay dành dụm cho con đi học, hoặc để mua những vật dụng lớn tiền.
Những cây thảo quả nếu còn có thể mọc mầm thì ít nhất cũng phải 3 năm nữa mới lại được thu hoạch. Hầu A Sáng dự tính sẽ bán lợn để mua giống về trồng tiếp, nhưng trồng mới thì phải 6 năm nữa cây mới cho quả.
Không riêng gì thảo quả của Hầu A Sáng, toàn bộ bà con trồng thảo quả xã Y Tý và Ngải Thầu đều chung số phận.
Ngay cả những cây lớn trong rừng cũng đổ gục vì tuyết.
Công sức 10 năm với cây thảo quả giờ không còn.
Những cây thảo quả đổ ngổn ngang bên khe suối.
Cây thảo quả là nguồn kinh tế chủ lực của các hộ dân thôn Trung Chải. Chắc phải 6 năm nữa Sáng mới có thể mua sắm những vật dụng lớn tiền cho gia đình.