Không ai có thể phủ định hoàn toàn về sự tồn tại của thế giới tâm linh, nhất là khi có cả những bức hình trở nên nổi tiếng vì chụp được hình ảnh người chết.
Bức Quý cô váy nâu chụp bởi Provand và Indre Shira
Bức hình ma có tên “Quý cô váy nâu” được xem là bức hình nổi tiếng
nhất cũng như dễ nhìn nhất từng được chụp lại. Người ta cho rằng bóng ma
trong hình chính là Quý cô Dorothy Townshend, vợ của Charles Townshend,
con trai thứ 2 của bá tước Raynham, sinh sống tại lâu đài Raynham, vùng
Norfolk, Anh, trong những năm 1700. Có tin đồn rằng Dorothy, trước khi
kết hôn với Charles, đã từng là tình nhân của lãnh chúa Wharton. Vì vậy
Charles luôn nghi ngờ Dorothy không chung thủy với mình. Theo tài liệu
được ghi chép lại, Quý cô Dorothy đã qua đời và được chôn cất vào năm
1726, nhưng có nhiều ý kiến cho rằng đó chỉ là một đám tang giả và sự
thật là Charles đã nhốt vợ mình vào một góc bí mật của tòa lâu đài cho
đến khi Dorothy qua đời.
Họ đồn rằng hồn ma của Dorothy đã không thể siêu thoát, ám ảnh lên
mọi ngóc ngách của tòa lâu đài. Trong đầu những năm 1800, Vua George IV ,
trong khi ở tại Raynham , đã nhìn thấy bóng một người phụ nữ trong một
chiếc váy màu nâu đứng bên cạnh giường của mình.
Tháng 9 năm 1936, hai nhiếp ảnh gia Provand và Indre Shira được
giao nhiệm vụ đến Raynham chụp hình cho tạp chí Country Life, và chính
họ là người đã ghi lại được hình ảnh của “Quý cô váy nâu”. Ngay khi bức
hình này được công bố trên tạp chí vào ngày 16 tháng 12 năm đó, nó đã
thu hút được rất nhiều sự chú ý từ dư luận và trở thành một trong số
những bức hình ma nổi tiếng nhất từng được biết đến.
Bức Lãnh chúa Combermere chụp bởi Sybell Corbet
Bức hình này được chụp tại thư viện Combermere Abbey, Cheshire, Anh
vào năm 1891 bởi nhiếp ảnh gia Sybell Corbet. Người ta có thể lờ mờ
nhận thấy khuôn mặt của một người đàn ông đang ngồi ở chiếc ghế bành
phía bên trái của bức hình. Qua những chi tiết như đầu, thân mình, cổ
áo, cánh tay, mọi người cho rằng đây chính là bóng ma của Lãnh chúa
Combermere.
Ông vẫn được biết đến là một chỉ huy kị binh Anh trong những năm
1800 và là người có đóng góp lớn trong nhiều chiến dịch quân sự. Ông qua
đời năm 1891 bởi tai nạn xe ngựa, tuy nhiên điều gây kinh ngạc chính là
thời điểm nhiếp ảnh gia Sybell chụp được bức ảnh thì cách đó 4 dặm,
tang lễ của Lãnh chúa Combermere cũng đang diễn ra.
Tuy nhiên vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh bức hình dù chưa ai có thể chứng minh được rằng đó là một trò lừa đảo.
Bức Freddy Jackson chụp bởi Sir Victor Goddard
Bức ảnh này được chụp vào năm 1919 và được phát hành lần đầu năm
1975 bởi Sir Victor Goddard, một sĩ quan Không quân Hoàng Gia Anh đã
nghỉ hưu. Đây là bức ảnh chụp phi đội của Goddard, những người đã trải
qua chiến tranh thế giới thứ nhất ở trung tâm huấn luyện HMS Daedalus.
Người ta có thể thấy rõ ràng một gương mặt mờ ảo phía sau một người đàn
ông. Đó được cho là khuôn mặt của Freddy Jackson, một thợ máy thiệt mạng
2 ngày trước đó trong một tai nạn bởi cánh quạt máy bay.
Đám tang của anh được tổ chức vào ngày bức ảnh được chụp. Các thành
viên phi đội có thể dễ dàng nhận ra khuôn mặt của Jackson và họ cho
rằng, có thể Jackson không biết mình đã chết và quyết định tới buổi chụp
hình cùng các đồng đội.
Bóng ma cầu thang tulip chụp bởi White Rock
Cha xứ Ralph Hardy, một linh mục ở White Rock, British Columbia đã
chụp bức ảnh nổi tiếng này vào năm 1966. Ông vốn chỉ định chụp vẻ tinh
tế của chiếc cầu thang xoắn (còn gọi là cầu thang tulip) ở khu vực
Queen's House của Bảo tàng Hàng hải Quốc gia ở Greenwich, Anh. Sau khi
tráng rửa, bức ảnh đã hé lộ một hình người trùm khăn đang bám vào cầu
thang bằng 2 tay. Các chuyên gia, bao gồm cả một số chuyên gia từ Kodak
đã khám nghiệm phim âm bản và kết luận là nó đã không hề bị tác động
tới. Một số người còn cho biết là có nhiểu bóng trắng ở quanh khu vực
cầu thang, và người ta có thể nghe thấy cả những tiếng bước chân bí ẩn ở
đó.
Bức hình lấy ngay của Robert A. Ferguson
Bức ảnh này được chụp vào ngày 16/11/1968 khi Robert A. Ferguson (tác
giả cuốn Psychic Telemetry: New Key to Health, Wealth and Perfect
Living) đang phát biểu ở hội thảo ở Los Angeles, California. Bên cạnh
Ferguson là hình ảnh mờ ảo của một người, về sau được xác nhận là anh
trai Walter của ông, người đã thiệt mạng năm 1944 trong Thế chiến thứ 2.
Nếu nhìn qua, đây có thể là kĩ thuật phơi sáng kép hoặc một thủ thuật
chỉnh sửa nào đó. Nhưng bức ảnh này cùng với nhiều tấm khác được chụp
trên máy ảnh lấy ngay (Polaroid), điều đó khiến cho giả thuyết trên là
rất khó xảy ra.
Bức Bóng ma ở nông trại chụp bởi Neil Sandbach
Bức ảnh đáng kinh ngạc này được chụp bởi nhiếp ảnh gia và nhà thiết
kế đồ họa Neil Sandbach vào năm 2008 khi ông đang thực hiện một dự án
chụp ảnh ở trang trại tại Hertfordshire, Anh. Ông được giao chụp hình
đám cưới cho một cặp vợ chồng ngay tại địa điểm đó. Tuy nhiên, sau khi
chụp Neil đã rất kinh ngạc khi xem xét các bức ảnh trên máy tính của
mình. Trong bức ảnh xuất hiện bóng trắng trong hình hài một đứa bé mờ
ảo, đang núp sau góc nhà và nhìn về phía Neil, mặc dù bản thân anh chắc
chắn rằng không có ai trong khu vực vào thời điểm đó.
Và kỳ lạ hơn khi Neil cho cặp vợ chồng xem bức ảnh này, tại đám
cưới họ đã hỏi những người ở trang trại về việc có hay không những hiện
tượng bí ẩn ở đây. Mặc dù họ không hề đề cập đến chuyện bức ảnh, những
người nông dân khẳng định họ có thấy bóng hình một cậu bé mặc đồ trắng
thoắt ẩn thoát hiện ở quanh khu trang trại. Những gì mà họ mô tả được
cho là trùng khớp với cậu bé trong bức hình của Neil khiến cho nhiều
người tin rằng ông đã chụp được một bức hình ma.
Theo Phan Hạnh
Dân trí