CAMS 2014: Nền kinh tế Việt Nam đang ở tình trạng “lưỡng thể”

Nếu 49% người cho rằng nền kinh tế Việt Nam cơ bản là nền kinh tế thị trường thì tỷ lệ nhận định nền kinh tế Việt Nam cơ bản là nền kinh tế nhà nước cũng chiếm tới 36% số người tham gia CAMS 2014.

Đó là một trong những kết quả tại báo cáo “Thay đổi cảm nhận về Nhà nước và Thị trường của người Việt Nam năm 2014 (CAMS 2014)” do VCCI phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) diễn ra sáng nay (23/7) tại Hà Nội.

Hệ thống kinh tế nhà nước và kinh tế thị trường vận hành song song

Theo báo cáo, có tới 89% người trả lời CAMS 2014 cho rằng mô hình kinh tế thị trường ưu việt hơn bất kỳ mô hình kinh tế nào khác, tăng nhẹ so với CAMS 2011 (87%). Trong khi đó, chỉ có 3% người trả lời cho rằng mô hình kinh tế nhà nước là ưu việt hơn, đã giảm 4% so với năm 2011. Kết quả này cũng rất tương đồng với dữ liệu theo thời gian: 87% người đã từng tham gia khảo sát 2011 vẫn nhận định mô hình kinh tế thị trường ưu việt hơn.

cams

Có tới 89% người trả lời CAMS 2014 cho rằng mô hình kinh tế thị trường ưu việt hơn bất kỳ mô hình kinh tế nào khác, tăng nhẹ so với CAMS 2011 (87%)

Mặc dù kết quả khảo sát cho thấy mức độ ủng hộ đối với mô hình kinh tế thị trường là rất cao, tuy nhiên, trung bình chỉ có 49% người trả lời đồng ý với nhận định “Nền kinh tế Việt Nam hiện nay về cơ bản là nền kinh tế thị trường”, gia tăng mạnh so với 3 năm trước (chỉ 25% đồng tình).

Theo ông Đoàn Hồng Quang – Chuyên gia cao cấp WB, nền kinh tế Việt Nam đang ở tình trạng “lưỡng thể”, đa số người tham gia khảo sát cho rằng tốc độ chuyển từ nền kinh tế Nhà nước sang thị trường còn chậm.

Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế VCCI cũng cho rằng, nếu 49% cho rằng nền kinh tế Việt Nam cơ bản là nền kinh tế thị trường thì cũng có 36% số người tham gia CAMS 2014 cho rằng nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế nhà nước. Theo ông Tuấn, kết quả này cho thấy ở Việt Nam trên thực tế hệ thống kinh tế nhà nước và kinh tế thị trường vẫn vận hành song song, chưa rạch ròi, hoặc ít nhất là cách vận hành của nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa ổn.

ong-Loc

TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI phát biểu tại buổi báo cáo

Báo cáo cũng cho biết thêm, đa số những người ủng hộ nền kinh tế thị trường vẫn muốn có bàn tay can thiệp của nhà nước để bình ổn giá của những hàng hóa thiết yếu. Tỷ lệ này năm 2014 là 75%, tăng 7% so với 2011. Việc vận hành kinh tế thị trường ở Việt Nam có thể chưa thực sự tạo niềm tin và đem lại hiệu quả tích cực cho xã hội, như tạo sự cạnh tranh, thúc đẩy giảm giá, cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ và do vậy khiến người dân có tâm lý mong chờ bàn tay can thiệp của nhà nước.

Khoảng 1/2 số người tham gia khảo sát cho rằng giá cả hàng hóa thiết yếu được quyết định bởi thị trường, số còn lại cho biết phần lớn giá cả các nhóm mặt hàng này được điều chỉnh bởi các quy định của nhà nước. Tuy nhiên chỉ có 47% đánh giá chương trình này là hiệu quả. Chỉ 19% người trả lời khảo sát đánh giá cao mức độ đóng góp của các DNNN lớn vào nền kinh tế là tích cực/rất tích cực, trong khi tỉ lệ đánh giá tiêu cực ở mức 29%.

Chỉ 19% người hài lòng với nền kinh tế hiện tại

Điều tra về mức độ hài lòng với tình hình hiện tại của nền kinh tế, trong khi có 41% đánh giá nền kinh tế Việt Nam hiện nay là tốt hơn so với 5 năm trước, thì trung bình chỉ có 19% người trả lời hài lòng với tình hình hiện tại của nền kinh tế.

Cams2

19% người trả lời hài lòng với tình hình hiện tại của nền kinh tế

Báo cáo cũng cho biết, so với CAMS 2011, tỷ lệ người trả lời CAMS 2014 hài lòng với tình hình kinh tế hiện tại tăng nhẹ, (2%). Bên cạnh đó, dù cảm nhận về tình hình hiện tại còn chưa lạc quan, nhưng những người trả lời CAMS 2014 tiếp tục tin vào tương lai sẽ tốt đẹp hơn cho các thế hệ sau. Trung bình có 63% người trả lời đồng ý với nhận định “trẻ em hiện nay rồi sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn thế hệ chúng tôi”, và chỉ 10% không đồng ý với nhận định này.

Kết quả điều tra CAMS 2014 một lần nữa khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của các nhóm khảo sát đối với mô hình kinh tế thị trường (89%), sở hữu tư nhân trong doanh nghiệp (71%) và yêu cầu minh bạch trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách (94%), tăng nhẹ so với khảo sát năm 2011 (kết quả tương ứng lần lượt là 87%, 69% và 92%).

Phát biểu tại buổi báo cáo, TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cho rằng, kết quả này cho thấy những cải cách mà Việt Nam đang thực hiện là phù hợp với yêu cầu của đông đảo người dân và doanh nghiệp. Nhưng, người dân cũng nhìn thấy hệ thống kinh tế thị trường chưa đầy đủ đã khiến những mặt tốt của thị trường không được phát huy, trong khi những khiếm khuyết của thị trường chậm được kiểm soát và khắc phục. Trong điều kiện đó, thực tế cho thấy giải pháp căn bản không phải là gia tăng can thiệp của Nhà nước mà chính là đẩy mạnh tiến trình cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tránh khỏi tình trạng mắc kẹt giữa hai hệ thống vận hành kinh tế. Sự không hài lòng của người dân với tốc độ chuyển đổi còn chậm trễ sang kinh tế thị trường và các biện pháp can thiệp kém hiệu quả và không minh bạch trong việc điều hành chính sách, quản trị khu vực doanh nghiệp nhà nước và can thiệp giá cả… qua CAMS 2014 là một chỉ dấu quan trọng cho kỳ vọng đó.

Như vậy, CAMS 2014 một lần nữa khẳng định người Việt Nam ủng hộ kinh tế thị trường với mức độ rất cao. Sau gần 30 năm đổi mới, nền kinh tế thị trường đã hình thành ở Việt Nam, và mặc dù còn rất nhiều việc phải làm để hoàn thiện, nó đã có sức thuyết phục với đại đa số người Việt ở các vị trí khác nhau trong xã hội. Niềm tin ở tính ưu việt của kinh tế thị trường, của sở hữu tư nhân đã thực sự vững chắc, ăn sâu bén rễ trong tất cả các nhóm xã hội, thể hiện qua hai cuộc điều tra CAMS 2011 và CAMS 2014.

Khảo sát CAMS 2014 có sự tham gia của 1600 cá nhân thuộc 10 nhóm đối tượng đến từ các cơ quan nhà nước, chính phủ, UNBND và sở ngành các tỉnh, cơ quan Quốc hội, Doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp dân doanh, cơ quan báo chí... Đặc biệt, trong số này có 200 người đã từng tham gia phỏng vấn khảo sát năm 2011, giúp nhiều nhóm nghiên cứu nhận rõ hơn các xu hướng thay đổi cảm nhận theo thời gian.


Theo Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam

Theo

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - P.Thanh Xuân Trung - Q. Thanh Xuân - TP.Hà Nội

ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Email: [email protected]

Website: vacod.vn

Các đơn vị trực thuộc

Văn phòng Vacod miền trung - Tp Đà Nẵng

Địa chỉ: Số 278/4 Nguyễn Văn Linh - Thành phố Đà Nẵng
ĐT: 0236.3652692 - Fax: 0236.3653208

Văn phòng Vacod miền nam - Tp Hồ Chí Minh

Địa chỉ: Số 6A Phạm Đình Toái, Phường 6, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
ĐT: 0983358188

Công ty TNHH MTV Vacod

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Viện nghiên cứu phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Cơ quan ngôn luận: Tạp chí Thương Gia

Địa chỉ: Số 14, Khu 249A Thụy Khuê, Quận Tây Hồ, Hà Nội
ĐT: 0879 504 666 - Email: [email protected]
Website: https://thuonggiaonline.vn/