PV: Thưa ông, chủ đề được chọn của diễn đàn lần này là “Kinh tế Việt Nam: Hội nhập và phát triển bền vững”. Được biết đây là diễn đàn kinh tế lần thứ 8 do Ủy ban Kinh tế tổ chức và cũng là diễn đàn kinh tế cuối cùng trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13. Tiến sĩ có thể nói thêm về việc lựa chọn chủ đề này?
Tiến sĩ NGUYỄN ĐỨC KIÊN: Mục tiêu trước mắt của diễn đàn nhằm chuẩn bị nội dung báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9 tới đây, về đánh giá kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam là thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đến nay. Xa hơn, diễn đàn sẽ giúp chỉ ra và đạt đến sự đồng thuận về nguyên nhân chủ quan của những mặt được và chưa được trong quá trình hội nhập, từ đó phả được hơi thở, không khí tranh luận vào Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, góp phần đưa ra những quyết sách quan trọng cho nhiệm kỳ mới.
Với tư cách là một nhà nghiên cứu, ông có nhận định khái quát như thế nào về những mặt được và chưa được của Việt Nam kể từ thời điểm chính thức gia nhập WTO đến nay?
Công bằng mà nói, chúng ta đã có những thành công vượt dự tính, sản xuất phục vụ trực tiếp cho xuất khẩu chẳng hạn. Sự tăng trưởng vượt bậc ở kim ngạch xuất khẩu thiết bị đầu cuối điện thoại; dệt may - da giày và một số ngành nông thủy sản cũng đã có tăng trưởng đột biến. Chúng ta cũng đã xác định lại vị thế và trách nhiệm của khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) để tiến đến một khung chính sách cởi mở cho nền kinh tế nhiều thành phần phát triển bình đẳng, trong đó khu vực kinh tế nhà nước thể hiện vai trò định hướng chính sách, chứ không chỉ là lực lượng sản xuất trực tiếp nữa.
Xuất khẩu tăng trưởng mạnh là một thành tựu quan trọng, với việc từ năm 2012, Việt Nam bắt đầu chuyển sang vị thế xuất siêu và năm 2014 ước xuất siêu khoảng 2 tỷ USD…
Ở đây cần làm rõ “sản xuất phục vụ xuất khẩu” có bước tiến vượt bậc. Cá nhân tôi cho rằng, thương mại đơn thuần - nói riêng và cả nền kinh tế - nói chung - thì lại chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Là vì trong tổng kim ngạch xuất khẩu, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm một tỷ trọng quá lớn. Chỉ riêng Tập đoàn Samsung năm 2014 xuất khẩu được 26,3 tỷ USD; chiếm xấp xỉ 20% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu của tập đoàn này gần như chắc chắn đạt 32 tỷ USD.
Dĩ nhiên, thành công của khu vực FDI cũng là thành công của nền kinh tế, nhưng chúng ta phải chấp nhận một điều nữa là họ vào thì cũng có thể ra. Việc khu vực kinh tế trong nước chưa thực sự “khỏe” như mong muốn là điều rất đáng lo ngại. Chính vì thế, việc thường xuyên, liên tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là điều kiện sống còn, giống như mỗi sáng ngủ dậy phải vươn vai hít thở không khí mới vậy!
Ông nghĩ sao về quan điểm cho rằng những động lực do WTO mang lại đã hết, Việt Nam cần tiếp tục có những động lực mới để thúc đẩy kinh tế thời hội nhập, chẳng hạn như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)?
Tôi cũng cho rằng, TPP có thể đóng vai trò bệ phóng, tiếp tục tạo cho Việt Nam những động lực mới. Động lực ở đây bao gồm nhiều phương diện. Về thị trường, khi hàng rào thuế quan hạ xuống với TPP, thị trường xuất khẩu mở ra cho hàng hóa Việt Nam, đồng thời thị trường nhập khẩu cũng rất phong phú, nhiều lựa chọn về thiết bị công nghệ, bản quyền phát minh sáng chế… nếu định hướng đúng thì sẽ có vô số cơ hội. Nguồn vốn nước ngoài cũng có thể chảy mạnh hơn, ồ ạt đổ vào thị trường. Hội nhập cũng sẽ tạo ra những sức ép mạnh mẽ cho việc cải cách thể chế, tự do hóa thị trường các yếu tố đầu vào như lao động, vốn, đất đai… Đánh giá những mặt được của TPP phải nhìn toàn diện như vậy, đừng chỉ nhìn vào con số xem họ nới lỏng cho ta bao nhiêu lâu, việc đó cũng quan trọng nhưng chưa phải quan trọng nhất.
Vai trò của các nhà thương thuyết có thể coi là đã được hoàn thành, thưa ông?
Nếu được ví von, tôi sẽ nói rằng các nhà thương thuyết đã đạt giải A bài ca “Không thể và có thể”! Họ đã làm rất xuất sắc nhiệm vụ của mình. Tất nhiên, những người trực tiếp đàm phán chỉ là người phát ngôn của Đảng, Nhà nước ta. Tiến trình đàm phán gia nhập TPP luôn được sự theo dõi và chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước.
Tới đây, ông cho rằng điều gì đáng quan ngại hơn cả?
Kinh tế thị trường là một cơ chế khắc nghiệt mà mọi sai lầm đều phải trả giá. Trong quá trình phát triển của đất nước, chúng ta tạo dựng môi trường bình đẳng cho mọi người lập nghiệp, nhưng đã là kinh doanh thì có người thành, kẻ bại. Trong hàng ngàn, hàng vạn người khởi nghiệp có người thành đại gia, người thành chủ doanh nghiệp nhỏ và cũng có người phá sản. Rất khó có chuyện tất cả có thể “dắt tay nhau cùng tiến” đồng tốc, mà có thể có địa phương, khu vực này đi trước, biết tận dụng các cơ hội phát triển hơn các khu vực khác.
Tôi cho rằng một trong những yếu tố đáng quan ngại nhất là năng suất lao động của Việt Nam rất thấp, dẫn đến khả năng cạnh tranh yếu. Ngay cả với các ngành vốn được xem là có thế mạnh và được hưởng lợi lớn từ TPP như dệt may. Năng suất thấp sẽ làm cho ngành này không thể đáp ứng những đơn hàng lớn một cách kịp thời và đồng đều về chất lượng.
Xin cảm ơn ông!
Anh Thư ( SGGP online)