Các công ty trả cổ tức cao thường là công ty chuẩn bị niêm yết hoặc công ty mà Nhà nước nắm chi phối.
Hàng năm, khi mùa đại hội cổ đông thường niên tràn về cũng là lúc nhà đầu tư hồi hộp trông đợi mức chia cổ tức cao từ những mã cổ phiếu nắm giữ. Sự hồi hộp này có thể nói là một trong những đặc trưng của các thị trường chứng khoán mới nổi, bởi biên độ dao động tỉ lệ cổ tức quá lớn.
Trong khi tại Mỹ, tỉ lệ này thường dưới 10% thì ở Việt Nam, có nhiều trường hợp chia cổ tức từ 30-40%, thậm chí hơn trên 100%. Năm 2013 là trường hợp của Công ty Cổ phần Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang với 120%, còn năm nay nổi lên trường hợp của Thế Giới Di Động với con số vượt xa mơ ước của các cổ đông: 372%.
Theo định nghĩa, tỉ lệ cổ tức là tỉ lệ số tiền trên một cổ phiếu mà cổ đông được hưởng tính trên mệnh giá của cổ phiếu đó. Nó thể hiện số tiền mà doanh nghiệp chi ra và số tiền cổ đông nhận được là như nhau. Tuy nhiên, cổ tức lại được nhìn nhận dưới những góc độ khác nhau.
Đối với nhà đầu tư, họ quan tâm nhiều hơn đến tỉ lệ chi trả cổ tức thực, tức số tiền cổ tức nhận được tính trên thị giá của cổ phiếu. Lấy ví dụ về trường hợp của Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (mã HGM). Năm 2013 công ty này trả cổ tức 120% và cổ tức trong năm nay chỉ dừng lại ở 70%. Tuy nhiên, để nhận được 12.000 đồng cổ tức trong năm 2013, cổ đông phải chi 99.000 đồng (giá cổ phiếu HGM trung bình trong quý I/2013); còn trong năm 2014 khi giá thị trường của cổ phiếu này rớt gần một nửa thì tỉ lệ chi trả cổ tức thực nhận lại cao hơn năm ngoái. Cụ thể, tỉ lệ cổ tức thực nhận năm 2013 là 12% so với 13% của năm nay.
Đối với doanh nghiệp, quyết định về tỉ lệ cổ tức luôn khiến các nhà lãnh đạo đau đầu. Nó không phải là một con số ngẫu nhiên hay đầy cảm hứng mà phải được tính toán kỹ lưỡng, vì liên quan đến các dự án đầu tư cần được tài trợ sắp tới, dòng tiền nhàn rỗi hiện có và thậm chí cũng phải cân nhắc đến nhu cầu của các cổ đông lớn, nhỏ.
Có thể hình dung lợi nhuận của công ty như một chiếc bánh được chia ra nhiều phần. Và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp sẽ cân nhắc dành bao nhiêu phần để thỏa mãn cổ đông của mình.
Chính vì được quyết định một cách đầy thận trọng mà cổ tức mang nhiều ý nghĩa hơn là một con số được trông đợi. Tại Mỹ, sau nhiều thăng trầm với một loạt những quy định mới được ban hành, cổ tức vẫn được coi là một công cụ đáng giá dùng để đo lường triển vọng của công ty. Ở Việt Nam, khi thị trường còn đang trên đà phát triển, những câu chuyện xoay quanh cổ tức lại thú vị hơn rất nhiều.
Tổng hợp dữ liệu qua các năm, các công ty trả cổ tức cao tại Việt Nam thường rơi vào 2 trường hợp sau: (1)các công ty mà nhà nước vẫn nắm giữ cổ phần chi phối, (2) công ty chưa niêm yết hoặc chuẩn bị niêm yết.
Nhóm thứ nhất là một danh sách dài các công ty chi trả cổ tức cao trong năm 2013 như Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (70%), Tổng Công ty Khí Việt Nam (42%), Công ty Cổ phần CNG Việt Nam (35%), Đạm Phú Mỹ (50%)… Quyết định chi trả cổ tức ở các công ty này hơi khác biệt so với các công ty cổ phần khác bởi phụ thuộc nhiều vào tác động của các tổ chức nhà nước đang nắm giữ cổ phần chi phối. Tuy nhiên, có thể hiểu rằng chi trả cổ tức cao ở các công ty này là chi phí cho những quyền lợi độc quyền và sự hỗ trợ mà họ nhận được từ phía Nhà nước.
Ở nhóm thứ hai, quyết định trả cổ tức cao có nhiều mục đích khác nhau. Trường hợp sử dụng chi trả cổ tức như một chiến lược điển hình nhất là Thế Giới Di Động với 372% cổ tức được trả bằng cổ phiếu trước thềm IPO. Ngoài việc thưởng lớn cho các cổ đông hiện hữu, chi trả cổ tức cao ngất ngưỡng đã giúp Thế Giới Di Động gây tiếng vang trên toàn thị trường. Và việc cổ phiếu MWG của công ty này tăng trần liên tục 5 phiên ngay sau khi niêm yết cũng không phải là điều khó hiểu.
Một trường hợp khác là Thủy điện Nà Lơi cũng vừa thông báo chi trả cổ tức bằng tiền lên đến 72% (tương đương 7.200 đồng/cổ phiếu) gộp cho cả 2 năm tài chính 2012 và 2013. Nếu xét lãi cơ bản trên một cổ phiếu mà Công ty đạt được trong 2 năm qua lần lượt là 2.005 đồng và 3.249 đồng thì Thủy điện Nà Lơi dường đang háo phóng quá mức.
Thế nhưng, theo thông tin từ Đại hội cổ đông thường niên năm 2014, Thủy điện Nà Lơi đã thông qua việc sáp nhập vào Công ty Cổ phần Thủy điện Cần Đơn. Xét trong bối cảnh này, việc chia nhau “của để dành” gom góp trong nhiều năm cho cổ đông hiện hữu có vẻ như là lời giải thích hợp lý cho việc Thủy điện Nà Lơi chi cổ tức mạnh tay.
Bên cạnh đó, còn có một số ngân hàng sử dụng cổ phiếu thưởng như một hình thức trả cổ tức hoặc trả cổ tức bằng cổ phiếu với mục đích tăng quy mô vốn. Sacombank, chẳng hạn, có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 13.481 tỉ đồng bằng cổ phiếu thưởng với tỉ lệ 10% và cổ tức với tỉ lệ 8%. Ngân hàng BIDV cũng trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu bằng cổ phiếu với tỉ lệ 6,4% tương đương gần 180 triệu cổ phiếu. Ngân hàng Quân Đội cũng phát hành gần 34 triệu cổ phiếu vừa để trả cổ tức đợt 2 năm 2013 với tỉ lệ 3%, vừa thực hiện tăng vốn điều lệ đợt 1.2014 theo kế hoạch.
Cũng có không ít các công ty không chi trả cổ tức trong thời gian dài như Tập đoàn Vingroup với 3 năm liên tiếp hay Masan với kỷ lục 4 năm liền không trả cổ tức cho cổ đông. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà những cái tên này trở nên mờ nhạt. Trên thực tế, họ vẫn đang là những tập đoàn lớn mạnh và được xếp vào nhóm cổ phiếu blue-chip. Mặc dù không chi trả cổ tức nhưng việc kinh doanh thành công đã đưa giá cổ phiếu của các tập đoàn này đi theo xu hướng tăng. Đó có lẽ là điều mà nhà đầu tư mong đợi hơn cả cổ tức.
Theo NCĐT