Chiều 4/12, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi tiếp và làm việc với GS. John Kent - Trường Đại học Arkansas (Hoa Kỳ). Tham dự buổi tiếp có lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, gồm: Cục Xuất nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Viện Chiến lược chính sách Công Thương, Văn phòng Bộ.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cảm ơn GS. John Kent - Trường Đại học Arkansas (Hoa Kỳ) về những chia sẻ tâm huyết của ông tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024, đặc biệt là các nội dung liên quan đến triển khai mô hình Quốc gia thương mại tự do (FTZ).
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Việt Nam đã và đang được các quốc gia công nhận là nước có nền kinh tế thị trường, với 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó, có các FTA thế hệ mới và có quan hệ thương mại với trên 70 quốc gia và nền kinh tế lớn, chiếm tới 90% GDP kinh tế toàn cầu. Do đó, khái niệm Quốc gia thương mại tự do là vấn đề được quan tâm.
Theo đó, Bộ trưởng đề nghị GS. John Kent làm rõ một số vấn đề về sự khác biệt giữa Khái niệm Quốc gia thương mại tự do (Free Trade Country - FTC) và Khu thương mại tự do (Free Trade Zone - FTZ). Đồng thời đề nghị GS. John Kent cho biết trên thế giới đã có những nước nào đã áp dụng FTC, hoặc mô hình tương tự. Lợi ích và khó khăn, thách thức mà FTC đem lại đối với Việt Nam và lộ trình thực hiện mô hình này ra sao.
Trả lời các câu hỏi của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, GS. John Kent cho biết, mục tiêu hướng tới của một quốc gia thương mại do (FTC) là tăng lượng hàng hóa lưu thông và giảm chi phí cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Một quốc gia thương mại tự do có thể có 10 khu thương mại tự do, cần được điều hành bởi Luật về quản lý khu thương mại tự do. Ông nhấn mạnh, việc Việt Nam đã có 17 FTA với độ mở lớn về nền kinh tế chính là điểm đột phá để hình thành một quốc gia thương mại tự do.
Ghi nhận những ý kiến chia sẻ tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, mô hình Quốc gia thương mại tự do sẽ mang lại cơ hội kèm theo những thách thức không nhỏ cho Việt Nam. Thứ nhất, đó là xây dựng luật pháp để hoạt động thương mại tự do cho một quốc gia nhằm bảo đảm các nguyên tắc nêu trên. Thứ hai, nâng cao năng lực của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong nước, trong khi phần lớn các doanh nghiệp tại Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài còn hạn chế. Thứ ba, hiện nay tại Việt Nam, các doanh nghiệp FDI đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu xuất nhập khẩu, trong khi đó, quyền sở hữu trí tuệ được đề cao trong một quốc gia thương mại tự do. Đây là vấn đề cần phải giải quyết để hài hòa giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, giữa Việt Nam và với các quốc gia khác.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, mặc dù chưa có chính sách nội địa của một quốc gia thương mại tự do, nhưng Việt Nam hiện đang sở hữu các FTA được thế giới đánh giá cao, trong đó có CPTPP và EVFTA. Vì vậy, Bộ trưởng ghi nhận những khuyến nghị của GS. John Kent đồng thời cho biết sẽ nghiên cứu những hướng đi hợp lý với bối cảnh phát triển của Việt Nam và xem xét báo cáo lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp có thẩm quyền để có thể đưa vào Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV của Việt Nam trong thời gian tới.