“Bó tay” với doanh nghiệp mạo danh

(DĐDN) - Không ít doanh nghiệp (DN) lợi dụng lỗ hổng của pháp luật cố ý “ăn theo” tên tuổi, thương hiệu của DN khác để trục lợi. Sự “bó tay” của hệ thống pháp luật về việc xử lý DN trùng tên đang gây bức xúc trong cộng đồng DN.
Lỗ hổng pháp lý trong lĩnh vực đăng ký tên DN đang gây thiệt hại rất lớn cho nhiều DN

Các vụ tranh chấp về tên gọi DN đã và đang diễn ra rất phổ biến, trong thời gian gần đây. Nhưng đáng báo động hơn cả là việc giải quyết các vụ tranh chấp này không mang lại hiệu quả cho các DN đi đòi quyền lợi chính đáng.

Điển hình cho việc này là vụ đòi tên DN của Cty Secom Việt Nam. Theo đơn khởi kiện tại TAND TP HCM, Cty liên doanh Secom Việt Nam được chuyển đổi thành Cty TNHH Secom Việt Nam vào tháng 1/2006. Sau đó hơn 1 năm, DN này phát hiện Cty TNHH Se Com (tên viết tắt là Secom CO.,LTD) thành lập tháng 4/2007. DN nguyên đơn cho rằng, bị đơn đã mạo danh đơn vị, sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn với tên thương mại của Cty nên yêu cầu bị đơn phải chấm dứt việc này và bồi thường 100 triệu đồng.

Phản bác lại, bị đơn cho rằng việc sử dụng tên thương mại trên đã được cơ quan chức năng đồng ý nên không chấp nhận bất kỳ yêu cầu nào của nguyên đơn. Theo bị đơn, hai Cty là hai loại hình DN khác nhau, thành phần tên riêng cũng khác, ngành nghề kinh doanh cũng không trùng và đối tượng khách hàng khác nhau.

Khi xử sơ thẩm vụ tranh chấp này, tòa sơ thẩm cho rằng tên “Cty TNHH Se Com” tuy có tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên “Cty TNHH Secom Việt Nam” nhưng hai Cty có lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Secom Việt Nam thì có các dịch vụ tư vấn về thiết bị an toàn, còn Cty Se Com thì lắp đặt, sửa chữa, bảo trì, mua bán thiết bị PCCC, camera quan sát, thiết bị báo động - báo cháy. Vì vậy, tòa sơ thẩm cho rằng tên Se Com không vi phạm tên của Secom Việt Nam.

Tuy nhiên, Cty Secom Việt Nam kháng cáo. Tòa phúc thẩm đã trưng cầu giám định và Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ kết luận là hai ngành nghề này tương tự nhau. Vì vậy, tòa phúc thẩm xử rằng tên của Cty Se Com vi phạm tên của Cty Secom Việt Nam, buộc Cty Se Com phải chấm dứt dùng tên “Cty TNHH Se Com” và tên viết tắt “Secom Co., Ltd.”, đồng thời bồi thường cho Secom Việt Nam 100 triệu đồng chi phí thuê luật sư theo đuổi vụ kiện này.

Như vậy sau hơn hai năm theo kiện, đến tháng 1/2013, Cty Secom Việt Nam cũng thắng kiện. Bản án tòa tuyên buộc Cty Secom phải chấm dứt sử dụng tên DN hiện có. Thế nhưng, Cty Secom Việt Nam đã bị mừng hụt. Khi DN này gửi hồ sơ kèm bản án thắng kiện cho Sở KH&ĐT TP HCM thì sở này không giải quyết được. Sở KH&ĐT TP HCM cho rằng, “tài liệu mà Cty Secom VN gửi cho Sở có bản án phúc thẩm và quyết định thi hành án thì vụ việc đã được giải quyết bằng biện pháp dân sự”, “đề nghị liên hệ Cục Thi hành án dân sự TP HCM để được giải quyết”. Đương nhiên Cục Thi hành án muốn giải quyết lại phải quay lại Sở KH&ĐT đề nghị thực hiện bản án đã có hiệu lực pháp luật. Theo quy trình của Điều 17 Nghị định 43/2010 thì sau khi nhận hồ sơ 10 ngày, cơ quan ĐKKD ra thông báo yêu cầu DN vi phạm làm thủ tục đổi tên trong vòng hai tháng.

Quảng cáo

Cần sửa đổi Luật DN theo hướng cho phép cơ quan ĐKKD thực hiện rút phép đối với DN không thực hiện các quyết định, văn bản, yêu cầu của cơ quan liên quan.

Vậy sau hai tháng mà DN vi phạm không chịu đổi thì sao? Chính đại diện của Sở KH&ĐT TP HCM đã phát biểu công khai tại hội thảo về ĐKKD rằng, nếu DN không chịu đổi thì “Sở cũng bó tay!”.

Tương tự tranh chấp của Cty Secom VN là các vụ tranh chấp Cty CP Phúc Sinh (quận 4, TP HCM) buộc bị đơn là Cty CP Thương mại XNK nông sản Phúc Sinh (quận Tân Phú, TP HCM) không được sử dụng thành phần “Phúc Sinh” trong tên DN và nộp phạt 23 triệu đồng. Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã phải vào cuộc giám định vụ việc tranh chấp tên gọi “Sàn giao dịch bất động sản Nam Tiến” giữa Cty CP Dịch vụ đầu tư xây dựng bất động sản Nam Tiến (quận 7, TP HCM) và Cty CP Nam Tiến (quận 1, TP HCM). Hay trường hợp Cty CP Nhựa Bình Minh đã khiếu tố vụ  đến Thanh tra Sở KH&CN TP HCM đối với Cty TNHH Thương mại Dịch vụ và sản xuất nhựa ống Bình Minh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với tên thương mại và nhãn hiệu “Bình Minh”. Cả hai Cty này cùng kinh doanh trong ngành nhựa, cùng hoạt động tại TP HCM và cùng có tên  “Bình Minh”.

Chỉ cần vào trang dangkykinhdoanh.gov.vn gõ chữ “cổ phần Thanh Bình”, sẽ thấy xuất hiện tên 31 DN, gõ “thương mại Thanh Bình” thì có hơn 100 DN, còn gõ “dịch vụ Thanh Bình” có 51 DN… Tình trạng tương tự cũng xảy đến với những cái tên khác như Thăng Long, Huy Hoàng… trong đăng ký kinh doanh của các DN này chỉ khác nhau tên loại hình DN và chức năng nhiệm vụ.

Lỗ hổng pháp lý trong lĩnh vực đăng ký tên DN đang gây thiệt hại rất lớn cho nhiều DN. Điều này tác động tiêu cực tới môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Nhiều DN cho rằng, cần có một chế tài thật mạnh đối với những hành vi cố tình vi phạm để trục lợi. Ngoài ra, cần gắn trách nhiệm của cơ quan ĐKKD để giảm tình trạng cố tình đăng ký trùng tên.

Thiếu chế tài đủ mạnh

Không ít DN thắc mắc, đối với vụ Cty Secom VN, tại sao vi phạm đã rõ ràng như vậy mà Sở không rút phép của DN vi phạm? Tuy nhiên, đại diện cơ quan ĐKKD lại cho biết: Điều 165 Luật DN có quy định chỉ tám trường hợp mà cơ quan ĐKKD có quyền thu hồi giấy chứng nhận ĐKKD của DN, như là khai hồ sơ giả mạo, không báo cáo, kinh doanh ngành nghề bị cấm... Trường hợp Sở gửi văn bản yêu cầu DN đổi tên mà DN lờ đi thì Sở không có quyền rút giấy phép. Đây chính là lý do, nhiều DN biết rõ việc này nên càng cố tình không thực hiện.

Theo quy trình, sau thời hạn trên nếu DN không đổi tên, cơ quan ĐKKD thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định về sở hữu trí tuệ. Tại Điều 17 Thông tư 37/2011 của Bộ KH-CN, khi DN không tự tiến hành thủ tục đổi tên thì cơ quan ĐKKD thông báo cho cơ quan có thẩm quyền xử lý, ra quyết định xử phạt. Trong quyết định có ghi phải đổi tên mà DN vẫn không chịu đổi thì cơ quan ĐKKD “đưa thông tin việc xử phạt DN vi phạm quy định về sở hữu công nghiệp trên cổng thông tin đăng ký DN quốc gia”. Nhưng việc đưa thông tin lên cổng thông tin quốc gia mang tính “bêu” tên nhiều hơn chứ cũng không giải quyết được vấn đề chấm dứt dùng tên vi phạm! Thậm chí, có những DN lập nên để “ăn theo”, lợi dụng tên tuổi, thương hiệu của DN khác nhằm bán hàng kém chất lượng, thậm chí lừa đảo khách hàng, đối tác của DN “chính chủ”.

Trong các tranh chấp về tên, hầu hết các DN bị tố cáo “đăng ký mạo” tên đều cho rằng, tên DN của mình là hợp pháp vì đã được cơ quan ĐKKD cho phép thành lập DN với tên này. Tuy nhiên, theo quy định về đăng ký DN thì người lập DN tự khai và tự chịu trách nhiệm về sự hợp pháp của tên DN mà mình đặt, trong đó có trách nhiệm “không sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của tổ chức, cá nhân đã được bảo hộ để cấu thành tên riêng của DN”. Nhưng trách nhiệm ở đây được hiểu như thế nào thì chỉ cần nhìn vào kết quả của những vụ kiện tranh chấp tên DN đã và đang xử lý thời gian qua cũng thấy nản lòng.

Theo một cán bộ Phòng ĐKKD (thuộc Sở KH&ĐT TP Hà Nội), đối với các DN cố tình dùng tên giống một DN khác để trục lợi, thì dù đã có phán quyết của tòa án, nhưng cơ quan ĐKKD lại không có quyền tự đổi tên DN, mà phải do DN đăng ký đổi tên. Nếu DN không tự giác, mà cố ý chây ỳ, không chịu đăng ký đổi tên, thì cơ quan ĐKKD cũng không làm gì được, vì không có quy định xử phạt nào.


Cần thống nhất trong quản lý


LS Nguyễn Tiến Sơn- Đoàn LS Hà Nội

Thực tế hiện nay, trong quản lý nhà nước đối với nhãn hiệu quy định buộc phải được đăng ký, xác lập quyền và được cấp văn bằng bảo hộ bởi Cục Sở hữu trí tuệ. Trong khi đó, đối với tên thương mại lại do tổ chức kinh doanh, dịch vụ tự xác lập và được ghi nhận khi đăng ký kinh doanh tại Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở KH&ĐT. Điều này rất dễ dẫn đến trùng lắp hoặc tranh chấp. Chính vì vậy, hai cơ quan này cần có sự kết nối liên thông trong quản lý và đăng ký tên, nhãn hiệu.

Thông thường các DN khi bị DN khác vi phạm tên thương mại của mình thì hay tìm ngay đến cơ quan cấp phép ĐKKD để khiếu nại. Bởi vì, chính cơ quan này là nơi đã cấp ĐKKD trùng lắp. Tuy nhiên, cơ quan ĐKKD không xử lý được loại vi phạm này. Bởi lẽ theo Luật DN, DN có quyền tự chọn tên và chịu trách nhiệm về tên DN của mình, không được vi phạm về sở hữu trí tuệ. DN phải tự kiểm tra tên dự định đặt có bị trùng với tên DN đã có hay không. Nghị định 43 quy định “DN phải tự chịu trách nhiệm nếu đặt tên DN vi phạm các quy định về sở hữu trí tuệ”. Nếu Cty này cho rằng công ty kia có vi phạm về sở hữu trí tuệ đối với tên của mình thì có quyền đề nghị cơ quan ĐKKD yêu cầu Cty kia thay đổi tên gọi cho phù hợp. Tuy nhiên, muốn gửi yêu cầu thì phải gửi cả “văn bản kết luận của cơ quan có thẩm quyền về việc sử dụng tên DN là vi phạm quyền sở hữu công nghiệp”.

Như vậy, có thể hiểu việc xử lý trùng tên DN mới ở mức đề nghị đổi tên. DN vi phạm rõ ràng sẽ “nhờn thuốc”, họ có trây ỳ cũng không sao. Muốn khắc phục được hạn chế này thì cần phải có những biện pháp mạnh hơn như cưỡng chế. Pháp luật về ĐKKD cần sửa theo hướng cho phép cơ quan ĐKKD được chủ động hơn trong việc rút phép đối với DN không thực hiện các quyết định, văn bản, yêu cầu của cơ quan liên quan. Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, ngay từ khi cấp ĐKKD cho các DN, cần kiểm tra, soát xét kỹ. Gắn trách nhiệm của cá nhân, và cơ quan cấp ĐKKD nếu để xảy ra trùng lắp, gây nhầm lẫn. Nếu để cơ quan này đứng ngoài cuộc trước các tranh chấp trùng lắp tên DN thì việc khắc phục hậu quả rất khó.

Hơn nữa, đối với việc thi hành án, cơ quan có thẩm quyền chỉ có thể cưỡng chế về tài chính theo án tuyên nhưng cơ quan này lại không thể đổi tên DN. DN thắng kiện phải trải qua nhiều thủ tục, rất mất thời gian. Vì vậy, cần có quy định cụ thể cho cơ quan thi hành án.

Bá Tú

Theo

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - P.Thanh Xuân Trung - Q. Thanh Xuân - TP.Hà Nội

ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Email: [email protected]

Website: vacod.vn

Các đơn vị trực thuộc

Văn phòng Vacod miền trung - Tp Đà Nẵng

Địa chỉ: Số 278/4 Nguyễn Văn Linh - Thành phố Đà Nẵng
ĐT: 0236.3652692 - Fax: 0236.3653208

Văn phòng Vacod miền nam - Tp Hồ Chí Minh

Địa chỉ: Số 6A Phạm Đình Toái, Phường 6, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
ĐT: 0983358188

Công ty TNHH MTV Vacod

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Viện nghiên cứu phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Cơ quan ngôn luận: Tạp chí Thương Gia

Địa chỉ: Số 14, Khu 249A Thụy Khuê, Quận Tây Hồ, Hà Nội
ĐT: 0879 504 666 - Email: [email protected]
Website: https://thuonggiaonline.vn/