Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn luôn là mục tiêu trọng tâm của các chính sách phát triển kinh tế ở những quốc gia đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng. Hiện nay, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam chiếm trên 90% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động và giữ một vị trí không thể thay thế trong phát triển kinh tế cũng như ổn định xã hội.
Do đó, các chính sách và chương trình hỗ trợ trên các phương diện khác nhau là cần thiết nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất và phát triển. Trong đó, chính sách thuế cũng là một trong những công cụ hỗ trợ hữu hiệu.
Với quan điểm trên, Bộ Tài chính cho rằng, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn 17% sẽ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa có điều kiện tăng tích tụ, tích luỹ tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Mức này bằng với thuế suất ưu đãi 17% áp dụng cho các dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Theo thuế suất này, mức độ khuyến khích đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa được đánh giá còn cao hơn giai đoạn 2014 - 2015.
Trên thực tế, doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệpưu đãi là 20% sớm hơn lộ trình tới 2,5 năm (từ 1/7/2013 thay vì 1/1/2016) so với các doanh nghiệp khác theo Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp số 32/2013/QH13 về quy định lộ trình áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp.
Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh, chính sách giảm thuế này không ảnh hưởng nhiều tới số thu ngân sách nhà nước, do số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm phần lớn trong nền kinh tế nhưng tỷ trọng đóng góp vào ngân sách nhà nước về thuế thu nhập doanh nghiệp lại nhỏ.
Từ số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2014 và số thu thuế Thu nhập doanh nghiệp năm 2015 cho thấy, nếu xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa theo tiêu chí doanh thu năm trước liền kề không quá 20 tỷ đồng (theo quy định tại Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp số 32/2013/QH13) thì số lượng doanh nghiệp này mặc dù chiếm đến 86,2% nhưng số thu về thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ 2.746 tỷ đồng. Nếu doanh nghiệp nhỏ và vừa được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 17% thì mức giảm thu ngân sách chỉ khoảng 473 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV vào tháng 10/2016. Trong đó, đề xuất tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa là doanh nghiệp có mức doanh thu 100 tỷ đồng trở xuống.
Như vậy, nếu theo đề xuất này thì số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ chiếm 95,2% tổng số doanh nghiệp (tăng 9% so với số lượng doanh nghiệp có mức doanh thu 20 tỷ đồng trở xuống); số thu thuế thu nhập doanh nghiệp là 8.710 tỷ đồng (tăng 5.964 tỷ đồng so với số nộp của các doanh nghiệp không quá 20 tỷ đồng) và mức giảm thu ngân sách khoảng 1.500 tỷ đồng/năm nếu áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 17%.
Do vậy, theo Bộ Tài chính, nếu xếp doanh nghiệp nhỏ và vừa theo tiêu chí mức doanh thu 100 tỷ đồng trở xuống sẽ không phản ánh đúng bản chất và quy mô doanh nghiệp. Đồng thời, như tính toán ở trên, tiêu chí này sẽ ảnh hưởng lớn đến số thu ngân sách nhà nước.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính kiến nghị xác định tiêu chí doanh nghiệp nhỏ và vừa như quy định tại Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp số 32/2013/QH13, đồng nghĩa với việc xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa với tiêu chí doanh thu năm trước liền kề không quá 20 tỷ đồng.
Theo Tạp chí Tài chính