Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg về cung ứng điện

Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg về cung ứng điện Đọc bài

Chiều 07/1/2025, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương nhằm triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg.

Cùng tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long, đại diện các đơn vị thuộc Bộ, đại diện các Tập đoàn, các Tổng công ty, các địa phương và đại diện các chủ đầu tư và nhà đầu tư đề xuất dự án điện. Tại các điểm cầu ở các địa phương có sự tham dự của lãnh đạo UBND tỉnh/thành phố và các sở, ban, ngành liên quan...

Hội nghị được Bộ Công Thương tổ chức nhằm triển khai Chỉ thị số 01/CT-TTg về việc chủ động giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân trong thời gian cao điểm năm 2025 và giai đoạn 2026-2030. Đồng thời, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, doanh nghiệp để thúc đẩy triển khai các dự án nguồn điện, đặc biệt là các dự án điện khí.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, bảo đảm an ninh quốc gia năng lượng điện là một trong những yếu tố quan trọng để bảo đảm tăng trưởng kinh tế nói chung, đặc biệt là đảm bảo cho mục tiêu tăng tốc, bứt phá theo định hướng của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ. Thời gian vừa qua, tăng trưởng kinh tế của nước ta tăng khá cao và được xếp hạng là một trong những nước có mức tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, Việt Nam có mức tăng trưởng 7,09% và với tốc độ tăng trưởng này, điện phải đáp ứng mức khoảng 11-12%, những tháng cao điểm tốc độ tăng trưởng phải đạt 13-15%, đặc biệt có những địa phương công nghiệp trọng điểm tăng 17-18%.

Bộ trưởng nhấn mạnh, năm 2024, chúng ta đã đáp ứng tương đối tốt, không để xảy ra đứt gãy nguồn cung điện, điều đó được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới năm 2025, Trung ương, Quốc hội và Chính phủ xác định mục tiêu phấn đấu phải đạt tăng trưởng GDP ít nhất là 8% và phấn đấu ở mức 2 con số. Theo đó, hệ số tăng về điện phải đáp ứng khoảng 1,5 lần, kịch bản cơ sở tương đương 12-13%, kịch bản cao phải đáp ứng được 13-14%, và kịch bản cực đoan phải đáp ứng 15-16%. Với tốc độ tăng trưởng này, mỗi năm Việt Nam phải bổ sung về nguồn, đáp ứng cho nhu cầu đất nước từ 10-12% sản lượng, tương đương 10.000-12.000MW/năm. Tương ứng với việc tăng trưởng về nguồn, cũng cần phải đầu tư rất mạnh về lưới điện truyền tải, nhất là lưới điện giải tỏa công suất cho những trung tâm năng lượng ở các vùng phụ tải thấp nhưng tiềm năng lớn như vùng Trung Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Vì vậy, Ban Chỉ đạo quốc gia đã xác định phải đưa vào các kỳ giao ban tuần để đánh giá việc thực hiện Quy hoạch điện VIII, triển khai các dự án về nguồn cũng như các dự án truyền tải để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng điện.

Cùng với việc Luật Điện lực (sửa đổi) đã được thông qua, hàng loạt các Nghị định, quy định mới của Chính phủ để đảm bảo Quy hoạch điện VIII và sắp tới là Quy hoạch điện VIII điều chỉnh sẽ được triển khai nghiêm túc, đúng luật, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đòi hỏi các địa phương, các Bộ, ngành, đặc biệt là các chủ đầu tư của các dự án nguồn, truyền tải phải rất nghiêm túc trong việc triển khai thực hiện. Trong Luật Điện lực (sửa đổi) hiện đã quy định rất rõ, các dự thảo Nghị định đã được Bộ Công Thương cơ bản hoàn tất và trình lên Chính phủ và hiện đang được Bộ Tư pháp thẩm định. Theo đó, cũng thể hiện rất rõ tinh thần nếu chủ đầu tư không thực hiện theo tiến độ cam kết thì Chính phủ kiên quyết thu hồi vì Luật cho phép thu hồi và giao trong trường hợp đặc biệt để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Hội nghị lần này của Bộ Công Thương không chỉ có sự tham gia của các địa phương, bộ, ngành có liên quan mà còn có cả các chủ đầu tư, đặc biệt là các chủ đầu tư của các nhà máy điện khí. Đây là cuộc họp lần thứ 8 mà Bộ trưởng trực tiếp chủ trì làm việc với các địa phương, các bộ ngành có liên quan và các chủ đầu tư các dự án đã được phê duyệt để bàn rõ về những việc cần phải làm.

Bộ trưởng thông tin thêm, Luật Điện lực sửa đổi đã có những quy định và cơ chế đặc thù cho điện khí về bao tiêu sản lượng tối thiểu và quy định về chuyển ngang giá khí, đây là những vấn đề mà các chủ đầu tư đã quan tâm và kiến nghị. Cùng với đó, điện gió ngoài khơi cũng đã được luật cho phép, các dự thảo Nghị định cũng đã được trình lên Chính phủ theo hướng cho phép những tập đoàn kinh tế nhà nước và một số tập đoàn kinh tế ngoài nhà nước có đủ khả năng sẽ được tiến hành khảo sát đầu tư. Trên tinh thần đó, các dự án điện khí và điện gió ngoài khơi nếu được phê duyệt lần này sẽ phải hòa lưới điện quốc gia trước 31/12/2030 thì sẽ được hưởng các cơ chế chính sách, còn các dự án chậm tiến độ hoàn thành sau đó sẽ bị xem xét xử lý theo quy định.

Theo báo cáo về cập nhật tình hình thực hiện các dự án theo Quy hoạch điện VIII của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, đối với các dự án điện sử dụng khí LNG, hiện nay, dự án LNG Nhơn Trạch 3 và 4 tiến độ tổng thể ước đạt 95,5%, dự kiến vận hành nhà máy Nhơn Trạch 3 vào tháng 7/2025 và Nhơn Trạch 4 vào tháng 10/2025. Dự án Nhà máy điện Hiệp Phước giai đoạn 1, chủ đầu tư đang đàm phán hợp đồng PPA để thu xếp vốn cho dự án và chờ phê duyệt quy hoạch chi tiết 1:500 của dự án đề điều chỉnh FS. Một số dự án như nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh đã được Bộ Công Thương thẩm định xong FS, chủ đầu tư đang hoàn thiện các thủ tục cần thiết để phê duyệt FS làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo; dự án nhà máy điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn 1 đã hoàn thiện FS và trình Bộ Công Thương thẩm định, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã gửi lấy ý kiến các cơ quan liên quan theo quy định.

Quảng cáo

Đối với các dự án điện thuộc Chuỗi dự án khí điện thuộc chuỗi dự án khí điện Lô B Ô môn bao gồm: dự án Ô môn I: Dự án chuyển đổi nhiên liệu cho Nhà máy Ô Môn I sang sử dụng khí Lô B đã được Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thẩm định FS; dự án Ô môn II: đã phát hành hồ sơ mời thầu EPC; dự án Ô Môn III đang được PVN lập Hồ sơ FS; dự án Ô Môn IV đã được PVN phê duyệt FS và phát hành hồ sơ mời thầu EPC.

Về dự án đường dây 500kv Lào Cai – Vĩnh Yên đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận Chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư EVN, dự kiến khởi công tháng 12/2025, phấn đấu hoàn thành đóng điện, đưa vào sử dụng trong tháng 05/2026. Đối với các dự án điện gió ngoài khơi (ĐGNK), theo Quy hoạch điện VIII công suất ĐGNK đến năm 2030 đạt 6.000 MW, Bộ Công Thương đã có văn bản lấy ý kiến các Bộ, ngành để cụ thể hoá công suất theo dự án, phương án đấu nối.

Tại buổi làm việc, đại diện các địa phương, các chủ đầu tư đã cập nhật tiến độ tình hình thực hiện các dự án và tập trung trao đổi về những vướng mắc đang gặp phải, đưa ra những đề xuất để tháo gỡ khó khăn, kịp thời triển khai các dự án nguồn và truyền tải đã được phê duyệt theo Quy hoạch điện VIII.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia là một trong những yếu tố nền tảng đảm bảo tăng tốc bứt phá của nền kinh tế của Việt Nam trong năm 2025 và những năm tiếp theo. Để đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng từ 8-10% GDP trở lên, thì tăng trưởng điện năng cần đạt 12-16%/năm. Theo đó, từ nay đến năm 2030, mỗi năm Việt Nam phải tăng về nguồn từ 10.000-12.000MW, tương ứng với đó thì hệ thống truyền tải, nhất là các nguồn giải tỏa công suất liên miền và nội miền cũng cần được quan tâm, nên cần sự vào cuộc của các bộ ngành và địa phương.

Để chủ động các giải pháp từ sớm, từ xa, bảo đảm tuyệt đối không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 01/CT-TTg, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị:

Đối với các dự án nguồn điện, dự án Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4, phải được đưa vào vận hành từ quý I/2025, nên các chủ đầu tư cần phải quyết liệt hoàn thành những thủ tục cần thiết, phấn đấu hòa lưới điện, phát điện thương mại trong quý I/2025 muộn nhất là quý II/2025 đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng.

Đối với các dự án điện khí đã có chủ đầu tư: Hiệp Phước giai đoạn 1, LNG Quảng Ninh, LNG Thái Bình, Quảng Trạch II, Hải Lăng giai đoạn 1, BOT Sơn Mỹ I, BOT Sơn Mỹ II, Bạc Liêu, Long An I, Ô Môn I, II, III, IV…, đề nghị các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư, xây dựng lộ trình cụ thể để triển khai thực hiện, phấn đấu hoàn thành, đưa vào vận hành trước năm 2030.

Đối với các dự án chưa có chủ đầu tư bao gồm các dự án tại Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Thuận, đề nghị các địa phương hoàn thành việc lựa chọn nhà đầu tư trong quý I/2025. Cần phải tách riêng các dự án nhà máy và các dự án hạ tầng như kho, bãi, cảng vì những dự án về hạ tầng khí đốt đã được xác định trong Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia.

Đối với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN): căn cứ quy định của pháp luật, khẩn trương ký Hợp đồng mua bán khí với các chủ đầu tư dự án trong chuỗi dự án khí Lô B và phấn đầu hoàn thành sớm các dự án điện khí Ô Môn III, IV với vai trò là chủ đầu tư.

Đối với Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN): cần đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa các dự án nguồn điện đang triển khai hoàn thành, đi vào vận hành sớm hơn so với kế hoạch từ 6 tháng trở lên, đặc biệt là dự án Quảng Trạch I, Hoà Bình mở rộng, dự án Trị An mở rộng và thủy điện tích năng Bác Ái phải hoàn thành trong quý I/2025. Các dự án nguồn khác mà EVN đang triển khai với các nhà thầu nước ngoài, EVN cần rà soát, đánh giá lại năng lực và đề xuất trong tháng 1/2025 để Bộ Công Thương có cơ sở trình Chính phủ xem xét đối với những trường hợp đặc biệt theo Luật Điện lực (sửa đổi).

Yêu cầu EVN, PVN, TKV: cần rà soát để chỉ đạo các nhà máy điện thuộc phạm vi quản lý của Tập đoàn làm tốt công tác chuẩn bị sản xuất, bảo đảm hiệu quả vận hành và có thể huy động tối đa công suất phát điện trong những tháng cao điểm mùa khô năm 2025 theo kế hoạch cung ứng điện và biểu đồ cung cấp than, khí đã được Bộ Công Thương phê duyệt.

Về các dự án truyền tải, đề nghị EVN nghiên cứu đầu tư xây dựng các dự án truyền tải điện theo QHĐ VIII, tăng cường liên kết mạnh giữa các khu vực, tăng khả năng vận hành an toàn và ổn định cho Hệ thống điện quốc gia; sớm hoàn thành các dự án truyền tải phục vụ giải tỏa công suất các nhà máy điện như nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4; khẩn trương triển khai thi công đưa công trình đường dây 500 kV Lào Cai – Vĩnh Yên để đưa vào vận hành trong năm 2025. Rà soát lại các dự án nằm trong Quy hoạch điện VIII, nhất là các dự án điện khí để đảm bảo việc giải tỏa công suất theo tiến độ. Tập trung thi công hoàn thành Dự án đường dây 500 kV Monsoon – Thạch Mỹ trong qúy I/2025 và Dự án đường dây 220kV Nậm Sun – Nông Cống hoàn thành trong quý II/2025. Nghiên cứu đề xuất chủ trương đầu tư dự án đường dây truyền tải từ các công trình thủy điện và nhiệt điện của Lào trong năm 2025 theo Hiệp định sẽ được ký kết giữa hai nước trong thời gian tới đây. Khẩn trương đề xuất, đầu tư xây dựng các dự án truyền tải điện theo Quy hoạch điện VIII, đặc biệt là các dự án truyền tải phục vụ giải tỏa công suất các nhà máy điện khí cũng như các dự án điện gió ngoài khơi sẽ được xác định địa điểm trong tương lai. Bộ Công Thương cũng đang gấp rút xây dựng Thông tư quy định về khung giá truyền tải, biểu giá truyền tải, phí truyền tải và phí điều độ, vận hành… để có cơ sở thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực truyển tải, lưới điện dưới 220kV.

Đề nghị các địa phương triển khai một cách tích cực các hoạt động thu hút đầu tư vào hệ thống truyền tải điện theo phân cấp và tạo điều kiện thuận lợi để EVN cũng như các chủ đầu tư triển khai các dự án truyền tải liên miền theo quy hoạch điện VIII được duyệt.

Đối với dự án điện gió ngoài khơi, dù không có đề xuất cụ thể của các địa phương và doanh nghiệp, Bộ trưởng yêu cầu, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo sẽ tập hợp nhu cầu mà các địa phương, doanh nghiệp đề xuất và hoàn thành trước ngày 20/1/2025 để Bộ thẩm định sơ bộ và trình Chính phủ cho phép triển khai 6.000MW giai đoạn 1, quyết liệt triển khai các bước để hoàn thành rà soát, bổ sung trong Quy hoạch điện VIII điều chỉnh theo hướng phát huy tối đa tiềm năng điện gió trên bờ và ngoài khơi để phục vụ nhu cầu trong nước, xuất khẩu và cơ chế mua bán điện trực tiếp… Giao EVN và Cục Điều tiết điện lực khẩn trương hoàn tất thủ tục để Bộ xem xét ban hành khung giá đối với điện gió ngoài khơi cũng như khung giá của các công đoạn, quy trình cần thiết giúp cho nhà đầu tư có cơ sở phê duyệt, triển khai các dự án. Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chủ trì và phối hợp với các đơn vị có liên quan khẩn trương rà soát để bổ sung vị trí cụ thể trong kế hoạch triển khai quy hoạch điện VIII, đồng thời phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường giúp đỡ các nhà đầu tư hoàn tất các thủ tục tiến hành khảo sát về gió và đáy biển trên biển theo quy định hoàn thành trước 20/1/2025 để làm cơ sở đề xuất lên Chính phủ.

Đối với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ trưởng trong các thông báo kết luận các kỳ giao ban. Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành các Nghị định và Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Điện lực trình Chính phủ và trình lãnh đạo Bộ ban hành để áp dụng từ 01/2/2025. Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo phối hợp Viện Năng lượng khẩn trương hoàn thành rà soát, trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch điện VIII trước 28/2/2025. Văn phòng Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng theo dõi tiến độ các dự án thuộc Quyết định số 270/QĐ-TTg ngày 02/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ và tiếp tục nghiên cứu, đề xuất đưa vào chương trình giao ban định kỳ các nội dung liên quan đến các dự án trọng điểm về nguồn và truyền tải, dự án liên quan đến bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia để đôn đốc, chỉ đạo và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.


Theo https://moit.gov.vn/ Copy

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - P.Thanh Xuân Trung - Q. Thanh Xuân - TP.Hà Nội

ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Email: vanphong.vacod@gmail.com

Website: vacod.vn

Các đơn vị trực thuộc

Văn phòng Vacod miền trung - Tp Đà Nẵng

Địa chỉ: Số 278/4 Nguyễn Văn Linh - Thành phố Đà Nẵng
ĐT: 0236.3652692 - Fax: 0236.3653208

Văn phòng Vacod miền nam - Tp Hồ Chí Minh

Địa chỉ: Số 6A Phạm Đình Toái, Phường 6, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
ĐT: 0983358188

Công ty TNHH MTV Vacod

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Viện nghiên cứu phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Cơ quan ngôn luận: Tạp chí Thương Gia

Địa chỉ: Số 14, Khu 249A Thụy Khuê, Quận Tây Hồ, Hà Nội
ĐT: 0879 504 666 - Email: toasoan@thuonggiaonline.vn
Website: https://thuonggiaonline.vn/