Hợp tác làm việc là điều tiên quyết
Một trong những điều thú vị nhất ở trụ sở mới của Facebook nằm ở thành phố Menlo Park, California không phải bởi vì nó được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng Frank Gehry, cũng không phải là khu vườn rộng đến 4 hecta nằm trên mái nhà. Thay vào đó, "Building 20" được nhấn mạnh vào sự kết nối giữa các nhân viên Facebook và cách mà họ cùng nhau làm việc cũng như giữ lại văn hóa của công ty trong bối cảnh mạng xã hội này càng ngày càng mở rộng với tốc độ chóng mặt.
Building 20 được xây dựng với nội thất đơn giản: sàn nhà vẫn còn là xi măng không sơn phủ gì nhiều, trên trần thì những đường ống dẫn khí và hơi lạnh vẫn còn để trơ ra. Nhân viên làm việc thì được khuyến khích viết thẳng lên.... tường. Tất cả mọi người, kể cả CEO Mark Zuckerberg hay CEO Sheryl Sandberg, đều làm việc ở những cái bàn với không gian mở chứ không chui vào từng phòng riêng biệt.
Nói ngắn gọn, đây là một "phiên bản lớn hơn" của nơi mà nhân viên Facebook gọi là "nhà", nơi mà họ đã đặt ra những dòng code đầu tiên cho mạng xã hội này nhiều năm về trước. Building 20 phản ánh rõ ràng và chân thực chất khát khao của Facebook trong việc mở rộng văn hóa của công ty ra nhiều nhân viên hơn, trong khi vẫn giữ lại được những giá trị cốt lõi nhất như thời mà Mark Zuckerberg mới bắt đầu làm việc.
Bên trong tòa nhà của Facebook
Nhìn từ bên ngoài, không ai biết được rằng lượng nhân viên Facebook đã tăng nhanh đến đâu. Vào tháng 9 năm 2010, công ty mới có 1.700 người. Tuy nhiên 5 năm sau đó, con số đó tăng đột biến thành 11.996. Tất nhiên, Mark Zuckerberg không dừng lại ở đó, Facebook vẫn đang tiếp tục tuyển người cho chính công ty mẹ và cả các công ty đã được mua lại như Instagram, WhatsApp, Oculus,... Chỉ riêng ở trụ sở chính tại Menlo Park vẫn còn đang trống đến 500 vị trí.
Bản thân Facebook rất to, chuyện đó không có gì bàn cãi. Công ty cũng đã lên sàn chứng khoán, và tất cả những thứ này có nghĩa là nếu không cẩn thận, Facebook có thể sớm trở thành một gã khổng lồ ì ạch với hệ thống phân cấp sâu sắc làm chậm đi quá trình phát triển và sáng tạo. Chuyện đó không hề hiếm trong thế giới công nghệ.
Nếu bạn hỏi Zuckerberg về cách làm thế nào để Facebook có thể tiếp tục là Facebook, anh ấy sẽ trả lời rằng "đó là một quá trình lâu dài của việc xây dựng một văn hóa - nơi mọi người đều suy nghĩ giống như cách mà tôi nghĩ. Điều đó cho phép chúng tôi hoàn thiện ngày càng nhiều sản phẩm hơn, cũng như những thứ mà chúng tôi muốn giải quyết giúp thế giới".
Văn hóa phải được phân tán cho cả công ty
Nhiệm vụ của Facebook đã được đưa ra vào 8 năm trước, khi Lori Goler - giám đốc marketing eBay, nghe Zuckerberg nói về nó trên radio khi bà đang lái xe đi làm. "Người phỏng vấn anh ấy thường hướng vào những con đường rất cụ thể, trong khi anh ấy thì luôn đưa lên thành nhiệm vụ của công ty" - Lori Goler nhớ lại. "Chúng tôi ở đây là để tạo ra một thế giới mở hơn và kết nối hơn".
Khi Sheryl Sandberg về làm cho Facebook ở vai trò CEO vài tháng sau đó, Goler bắt đầu tiếp cận Sandberg về việc đầu quân cho Facebook ở bất kì vị trí nào mà bà có thể có ích. Sau đó, Sandberg nói rằng Goler có muốn giữ vị trí quản lý tuyển dụng hay không thì Goler đã khá bất ngờ, thế nhưng bà vẫn chấp nhận việc làm đó. Giờ đây, Goler đang là Phó Chủ tịch phụ trách về nhân sự cho cả Facebook.
Lori Goler
Goler không xem vị trí của bà như là người duy nhất có vai trò giữ lại những gì tinh túy nhất của văn hóa công ty. "Khi người ta làm startup gọi đến và nói 'Chúng tôi đang mở rộng. Chúng tôi phải lớn lên. Làm thế nào chúng tôi có thể duy trì được văn hóa của mình?', thì một trong những thứ mà tôi luôn nói đó là không một ai sở hữu riêng cho mình văn hóa công ty cả, cũng như ở Facebook. Nó là một thứ được phân tán ra cả tổ chức. Nếu chúng tôi có 10.000 người làm việc ở Facebook, chúng tôi sẽ có 10.000 người nói rằng họ đang sở hữu văn hóa. Chúng tôi chỉ tuyển những người thích điều này. Chúng tôi nói cho họ về văn hóa Facebook trong quy trình phỏng vấn và tuyển dụng. Chúng tôi cũng nói cho họ ngay từ những ngày đầu tiên mà họ đi làm" - Lori Goler nói.
Có lẽ điểm đặc trưng nhất cho văn hóa của Facebook - ít nhất là với người bên ngoài - đó chính là những khẩu hiệu cổ động trên những bức tường ở công ty. Những khẩu hiểu này khuyến khích nhân viên Facebook xem trọng công việc của mình, thường xuyên thử nghiệm những cái mới, và đồng cảm với nhu cầu của người dùng. Tất cả những thứ đó do chính nhân viên Facebook viết ra, không phải từ một người nào đó hay một nhóm tuyên truyền nào của bộ phận nhân sự cả, Goler nói.
Người tiền nhiệm của Goler, Chris Cox đã về làm cho Facebook từ năm 2005 với vai trò là một kĩ sư. Trong suốt quá trình phát triển của Facebook, không có lãnh đạo bộ phận nhân sự nào có nền tảng cơ bản về nhân sự như thường thấy ở các công ty lớn khác. Cox hiện tại chuyển sang làm giám đốc sản phẩm, tuy nhiên ông vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc giữ lửa cho nhân viên, và ông cũng là người đi gặp tất cả mọi nhân viên mới khi họ bắt đầu làm việc cho Facebook.
Việc lãnh đạo đi gặp nhân viên như thế cũng không phải là thứ quá xa lại với Facebook. Goler chia sẻ: "Một kĩ sư mới phải quyết định xem họ muốn làm ở bộ phận nào, và đó là điều khá độc đáo ở chúng tôi. Chỉ dẫn chỉ đơn giản là: tìm một nơi mà bạn có thể tạo ra nhiều ảnh hưởng nhất, và nghĩ rất rất kĩ về cách mà ảnh hưởng đó có thể tác động lên bản thân bạn cũng như thế giới. Nghĩ về những nơi mà bạn có thể tạo ra ảnh hưởng và hãy đi làm ở chỗ đó." Nhiều nhân viên nói rằng đây là những chỉ dẫn rất nghiêm trọng mà họ từng nghe, nhưng đó chính là văn hóa của Facebook.
Goler chia sẻ thêm: "Rõ ràng từ bên ngoài nhìn vào thì không nhiều người thấy được rằng chúng tôi cố gắng xây dựng các vị trí làm việc xoay quanh con người, không phải chỉ đơn giản là tạo ra vị trí rồi tuyển người vào. Điều đó sẽ giúp người ta làm việc tốt nhất có thể".
Facebook vốn được thành lập bởi những sinh viên học cùng nhau, đến giờ vẫn không muốn trở thành một nơi mà người ta chỉ làm những gì đã ghi trong CV của mình. Facebook có "một văn hóa về việc tin tưởng rằng bạn không cần phải có rất nhiều kinh nghiệm để làm những thứ quan trọng" - Zuckerberg nói. "Nếu bạn không tin, tôi nghĩ rằng sẽ tốt hơn nếu nhìn ngược lại, về trải nghiệm của chính bản thân tôi. Điều này tỏ ra rất có ích trong việc tìm kiếm nhân tài thật sự, những người chưa từng làm được thứ gì to lớn cho đến khi họ đặt chân vào công ty, và cho họ cơ hội để trình diễn liệu họ có khả năng hiện thực hóa ước muốn của mình hay không".
Tất cả mọi người đều được kết nối
Một trong những lý do mà Facebook có thể liên tục thu hút được nhân tài đó là vì công ty không giống như chính mình hồi 10 năm về trước. Giờ đây Facebook đang có những nhóm riêng cho Instagram, Oculus, Messenger, WhatsApp cùng nhiều dự án khác.
Kevin Systrom - sáng lập kiêm CEO của Instagram, cho biết: "Những người thông minh thường muốn làm việc với những người thông minh khác để xử lý các vấn đề khó. Khi bạn bắt đầu có được một số lượng lớn những người thông minh trong tầm tay, bạn sẽ muốn họ làm việc cùng nhau. Khi họ nghĩ về những đại học tốt nhất thế giới, họ cũng làm việc theo cách này. Kết quả là bạn có được những nhà triết học rất giỏi, những nhà chính trị rất giỏi, các chuyên gia vật lý cực giỏi, tương tự như thế. Khi bạn đạt đến một kích thước nhất định, bạn sẽ liên tục nhận được kết quả tốt. Tôi thấy được điều đó ở Facebook, và nó không xuất hiện ở nhiều công ty".
Ở quy mô của Facebook hiện nay, giữ cho chất lượng của khâu tuyển dụng luôn ở mức cao là việc "khó, nhưng thứ cần thiết hơn là phải ươm mầm tài năng" - Cox chia sẻ. "100 người đầu tiên, 500 người đầu tiên, 1000 người đầu tiên. Nếu bạn có thể làm điều đó một cách đúng đắn, sẽ dễ dàng hơn cho bạn trong việc tự phát triển mình lớn ra, bởi vì bạn đã có những người thật sự hiểu công ty, những người biết quan tâm tới cộng đồng. Chúng tôi đã đầu tư rất nhiều cho công việc đó".
Goler bình luận thêm: “Chương trình giới thiệu việc làm của chúng tôi rất mạnh. Nhân viên Facebook gửi hồ sơ của những đồng nghiệp cũ từng làm việc cùng họ cho chúng tôi, hoặc những người học cùng lớp mà họ nghĩ rằng rất ấn tượng, hoặc chỉ đơn giản là 'Hey, tôi gặp anh chàng này hôm thứ 7 và tôi nghĩ rằng anh ta là người tuyệt vời'".
Khuôn viên trụ sở Facebook
Quay trở lại với Instagram, nhóm làm việc với sản phẩm này ngồi cùng nhau, họ trang trí văn phòng theo cách riêng của mình với các bức ảnh Instagram được dán trên tường, còn những buổi họp thì được đặt tên theo các hashtag phổ biến. Goler nói: "Một trong những thứ mà chúng tôi cố tình xây dựng đó là không gian làm việc nơi mọi người có thể gặp gỡ những người khác. Ngay cả những chiếc xe để chạy tới lui cũng có thể trở thành nơi gặp mặt và bàn chuyện. Nó thật sự là một điều đáng kinh ngạc."
Tất nhiên, Facebook không chỉ có một văn phòng duy nhất. "Tôi nghĩ chúng tôi có khoảng 70 văn phòng ở 30 quốc gia", Goler nói. "Phần nhiều trong số đó là các phòng kinh doanh nhỏ, và tất nhiên chúng tôi luôn cố gắng đảm bảo rằng mọi người sẽ được kết nối cùng nhau".
Để làm điều đó, Facebook từ lâu đã sử dụng các công cụ làm việc nhóm của riêng mình. Hiện tại, một phiên bản được thương mại hóa của nó đang được phát triển với cái tên "Facebook at Work" và sẽ sớm ra mắt. "Đó là một trong những thứ làm cho Facebook trở nên rất khác biệt. Bạn thật sự có mối quan hệ chặt chẽ với tất cả mọi người bạn từng gặp. Chúng tôi cũng biết điều gì xảy ra với mọi người vào cuối tuần, những gì đang diễn ra trong cuộc sống của họ, ở chỗ làm của họ, cũng như những gì đang diễn ra ở nhiều nơi khác nhau Mark và Sheryl dùng Facebook rất nhiều. Điều đó giúp anh ấy chạm đến được trái tim của nhiều người trong công ty, đó cũng là cách mà anh ấy nói chuyện và kết nối với mọi người."
Ngoài ra, tại Facebook, các nhân viên đều được hưởng các chế độ như bữa ăn miễn phí, văn phòng làm việc mở, tiệm giặt là ngay trong khuôn viên văn phòng, công việc tập trung vào làm việc nhóm, giao tiếp mở, môi trường làm việc cạnh tranh…đã tạo động lực để các cá nhân phát triển và cống hiến hết mình.
Khẩu hiệu “Move fast, but don't break things”
Move fast and break things là câu khẩu hiệu của Zuckerberg ngay từ những ngày đầu anh làm ra Facebook. Nó có nghĩa là hãy cứ thử, cứ di chuyển nhanh chóng và đừng ngại sai lầm vì bạn sẽ học được nhiều thứ từ chúng. Tuy nhiên, Zuckerberg nói rằng ở quy mô và tầm cỡ của Facebook như hiện nay thì việc giữ lại giá trị của câu nói này không có nghĩa là họ được phép hành động như lúc còn là một công ty nhỏ.
Màu sắc, màu sắc vui vẻ ở khắp mọi nơi trong tòa nhà
Zuckerberg chia sẻ: "Bạn càng phát triển thì chuyện đó càng trở nên khó hơn. Nhưng tôi không nghĩ rằng chúng ta phải giữ văn hóa theo đúng nguyên gốc. Chúng tôi có những giá trị nhất định phù hợp với cách mà chúng tôi suy nghĩ cũng như phục vụ tối đa cho cộng đồng của chúng tôi, và điều đó sẽ thay đổi theo thời gian".
Anh tiếp tục: "Lúc trước, khi chúng tôi mới làm thì chúng tôi có thể vượt qua được những sai lầm, và "Move fast and break things"chính là thứ chủ chốt. Giờ thì chúng tôi không thể làm như vậy nữa, vì chúng tôi đã đạt đến một mức mà nếu chúng tôi sai quá nhiều thì sẽ rất tốn thời gian để quay lại sửa chữa. Điều đó không còn giúp chúng tôi tăng tốc như hồi trước nữa. Thế nên, chúng tôi chuyển chiến lược thành "Move fast with stable infrastructure". (đi nhanh với nền tảng ổn định). Tôi nghĩ điều này vô cùng quan trọng. Bạn không thể giả vờ. Ở mỗi giai đoạn, bạn phải làm những thứ khác nhau để phù hợp với môi trường và vị trí của mình".
Hoàng Sang