Đó là những chia sẻ của đa số lãnh đạo doanh nghiệp có mặt tại Hội thảo “Bí quyết để thành công trong môi trường kinh doanh đa văn hoá: Từ kinh nghiệm của ISETAN” (Nhật Bản) vừa được tổ chức tại trụ sở Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vào chiều 20/3.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Ngọc Thắng – Phó trưởng Ban Quan hệ Quốc tế VCCI đánh giá cao tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam - Nhật Bản trong hơn 40 năm qua, về quan hệ hợp tác chặt chẽ trên lĩnh vực ngoại giao và kinh tế, cùng với đó là sự hợp tác thành công trong kinh doanh của các doanh nghiệp hai bên.
“Buổi hội thảo diễn ra vào thời điểm Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vừa kết thúc chuyến thăm chính thức Nhật Bản. Trong chuyến thăm này, hai bên đã ra một thông báo chung về hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Chúng ta hi vọng buổi hội thảo sẽ góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa hai nước, đặc biệt giữa các doanh nghiệp hai bên” - ông Thắng nhấn mạnh.
Tại hội thảo, ông Toshihiko Inaba - đại diện tập đoàn ISETAN kinh doanh chuỗi siêu thị cao cấp tại Nhật Bản chia sẻ những bài học kinh nghiệm quý báu với doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản về bí quyết để thành công trong môi trường kinh doanh đa văn hoá. Ông Toshihiko Inaba đã làm việc trong 6 năm tại thành phố Thiên Tân – Trung Quốc. Chuỗi siêu thị ISETAN ở Thiên Tân là một công ty có sự phát triển mạnh mẽ trong vài năm qua mặc dù nền kinh tế thế giới nói chung cũng như kinh tế Trung Quốc rơi vào khó khăn.
Bằng kinh nghiệm cá nhân, ông Inaba đã nêu ví dụ về những nét văn hóa kinh doanh ở một số nước láng giếng gần gũi với Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản. Theo ông, trong công ty ở Trung Quốc, người Trung Quốc luôn coi bản thân là trên hết còn người Nhật thì luôn tuân theo quy định chung của công ty. Người Trung Quốc rất giữ thể diện cá nhân và nếu không khôn khéo trong việc cư xử để giữ thể diện cho người Trung Quốc thì có thể gặp rất nhiều rắc rối.
Đa số lãnh đạo các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cũng đồng tình rằng dù có đề ra những quy định chung tại công ty giống như doanh nghiệp Nhật Bản nhưng cũng phải có những quy định “mềm” cho phù hợp với văn hoá truyền thống của nước sở tại.
Với kinh nghiệm 16 năm làm việc tại Việt Nam, đại diện cho công ty sản xuất máy ảnh thương hiệu Pentax tại Việt Nam, ông Kobe Hachi chia sẻ rằng bản thân ông đã có nhiều sự điều chỉnh các quy định công ty cho phù hợp với suy nghĩ, thái độ trong công việc của nhân viên người Việt. Ông thậm chí còn phải dành nhiều thời gian tìm hiểu văn hoá địa phương. Chính vì thế, cán bộ công nhân viên rất gắn bó với công ty, có nhiều người làm việc hơn 10 năm.
Về phía các doanh nghiệp Việt Nam, bà Nguyễn Kim Oanh – Trưởng phòng Quan hệ công chúng Công ty 4P chia sẻ những kinh nghiệm trong 5 năm qua khi làm việc với công ty Canon Nhật Bản. Bà Kim Oanh nêu ra những điểm mạnh của người Nhật khiến bà rất thán phục, ví dụ như trong việc lập kế hoạch công việc rất tỉ mỉ, chính xác, ít thay đổi; tác phong làm việc chăm chỉ, theo nhóm; không bao giờ đi làm muộn, trễ hẹn trong công việc, không lãng phí thời gian trong công việc; yêu cầu cao trong mọi công việc, chất lượng sản phẩm tốt, dịch vụ tốt nhất cho khách hàng…
Trong khi đó, ông Nguyễn Vân – Thành viên HĐQT công ty N&G có đề xuất các doanh nghiệp Việt Nam cần đoàn kết hơn nữa trong cùng lĩnh vực kinh doanh, cùng chí hướng phát triển, đồng thời đẩy mạnh hình thành các hiệp hội doanh nghiệp dưới sự quản lý chặc chẽ của Nhà nước để cùng nghiên cứu, đầu tư, hợp tác lâu dài với các doanh nghiệp Nhật Bản.