Ảnh minh họa.
Với triển vọng kinh tế nhìn chung ổn định, đồng tiền châu Á đã tăng nhẹ từ 1%-4% trong nửa đầu năm 2014.
Tuy nhiên, so với thời điểm cuối năm 2013, đồng tiền Trung Quốc và Việt Nam mất giá, được ghi nhận ở mức 0.9% và 1% một cách tương ứng so với đô la Mỹ.
Vào tháng 4/2014, chính phủ Nhật Bản đã tăng thuế suất tiêu thụ từ 5% lên 8%, điều này được phản ánh trong giá thuê văn phòng và bán lẻ tại Tokyo và Osaka.
Cụ thể hơn, thị trường cho thuê văn phòng được ghi nhận tăng trưởng từ 1,6% lên 5% ở hầu hết các thành phố lớn trong nửa đầu năm nay.
Trung Quốc đang cho thấy một bức tranh hỗn hợp, trong đó, thị trường cho thuê ở Thượng Hải suy giảm do những lo ngại về nguồn cung trong khi nhu cầu văn phòng tại Thẩm Quyến lại tăng mạnh.
Hong Kong đứng đầu danh sách với giá cho thuê 189,4 USD/m2, trong khi tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, giá cho thuê lần lượt là 48 và 41,7 USD/m2 (chưa bao gồm VAT).
Hầu hết thị trường bán lẻ đều ghi nhận có sự tăng chậm lại ở giai đoạn cuối của chu kỳ tăng trưởng. Điều này cũng có nghĩa là nó đang đạt đến đỉnh của chu kỳ tại hầu hết các thành phố.
Thu nhập ngày càng tăng của tầng lớp trung lưu ở Manila (Philippines) chính là nguyên nhân chính thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ tại đây, do đó góp phần đẩy mạnh nhu cầu về mặt bằng bán lẻ.
Giá cho thuê căn hộ cao cấp tăng nhẹ tại một số thành phố châu Á. Thị trường cho thuê ở Hong Kong, Singapore và Thẩm Quyến đang có xu hướng sụt giảm và hiện có sự điều chỉnh rõ nét. Manila được ghi nhận có sự gia tăng mạnh về giá thuê .
Trong phân khúc khách sạn, Quảng Châu (Trung Quốc và Osaka (Nhật Bản) đều có mức tăng trưởng cao, theo sau là các thành phố như Singapore, Tokyo và Đài Bắc.
Ông Troy Griffiths, Phó giám đốc điều hành Savills Việt Nam cho biết, báo cáo này tiếp tục cho thấy, Việt Nam có mức giá thuê cạnh tranh so với các nước khác trong khu vực, đặc biệt ở phân khúc khách sạn, bán lẻ và căn hộ dịch vụ.
Với nguồn cung dự án chất lượng cao còn hạn chế, và trong điều kiện Việt nam có tình hình hoạt động kinh tế vĩ mô gần đây được cải thiện đáng kể cùng nền tảng cơ bản hấp dẫn, những phân khúc này ở Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của các nhà phát triển dự án và nhà đầu tư nước ngoài.
"Nếu mức giá đưa ra hợp lý thì sự quan tâm của các nhà đầu tư vào các phân khúc này sẽ có thể tiếp tục tăng", ông Troy nhấn mạnh
Theo khảo sát của Tổ chức Tư vấn bất động sản CBRE Việt Nam, các tập đoàn bán lẻ toàn cầu đánh giá Việt Nam là địa điểm đầu tư hấp dẫn thứ hai trong khu vực chỉ sau Trung Quốc.
Trong đó, hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đều chiếm vị trí cao trong danh sách 10 thành phố được các đại gia bán lẻ toàn cầu lựa chọn để mở cửa hàng năm 2014.
Trước đó, một tổ chức tư vấn khác là Grant Thorton Việt Nam cũng đã công bố những con số khá lạc quan về triển vọng thị trường bất động sản Việt Nam.
Cụ thể, cuộc nghiên cứu khảo sát lần thứ 11 cho thấy, dựa trên quan điểm và triển vọng của lĩnh vực đầu tư tư nhân tại Việt Nam, bất động sản và khách sạn là các ngành có mức độ hấp dẫn đối với nhà đầu tư nhất hiện nay, chỉ đứng sau ngành bán lẻ, thực phẩm và đồ uống.
Có tới 54% số ý kiến cho rằng Việt Nam là điểm đến hấp dẫn đầu tư, đồng thời, 51% ý kiến được hỏi cho rằng họ sẽ tiếp tục tăng vốn đầu tư vào Việt Nam trong vòng 1 năm tới.
Nhiều chuyên gia bất động sản đều nhận định, bất động sản Việt Nam đã chạm đáy, thanh khoản đã được cải thiện thể hiện rõ ở số lượng giao dịch đã gia tăng đáng kể trong nửa đầu năm 2014.
Các nghiên cứu khảo sát cho thấy, mặc dù thị trường bất động sản Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi khó khăn đeo đẳng nhưng lại sở hữu những yếu tố căn bản lâu dài.
Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng trở nên lạc quan hơn về thị trường Việt Nam dựa trên thế mạnh về nhân khẩu trẻ, nhu cầu sở hữu nhà ở luôn ở mức cao.
Đồng thời, đa số nhà đầu tư đều có niềm tin vào sự thay đổi của các chỉ số kinh tế vĩ mô với mức dự báo mức tăng trưởng khoảng 5,9% cho năm 2014.
Theo BizLive