Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang gia tăng
Xâm phạm quyền SHTT đã và đang trở thành vấn đề nóng của toàn xã hội, trong diễn biến phức tạp ở hầu hết các đối tượng sở hữu công nghiệp như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, cạnh tranh…
Hành vi xâm phạm quyền SHTT gây ra nhiều hậu quả xấu cho nền kinh tế, thiệt hại tiền của và sức khoẻ của người dân, ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp, vị thế của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Theo Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), trong năm 2013 và 2014 đã phát hiện gần 32.474 vụ vi phạm quyền SHTT.
Mặc dù công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã có chuyển biến và đạt được một số kết quả tích cực, phát hiện và xử lý số lượng lớn nhiều vụ việc vi phạm, song, thực trạng hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc vẫn tồn tại, gây nguy hại đến sức khỏe và thiệt hại kinh tế cho người dân.
Hiện nay, trên thị trường có 31 sản phẩm, ngành hàng đang bị sản xuất giả, nhái thương hiệu. Mới đây, lực lượng chức năng đã phát hiện xử lý 30.500 vụ hàng giả và vi phạm SHTT. Theo thống kê của Cục Quản lý Thị trường, Bộ Công Thương, 5 tháng đầu năm 2015, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 70.000 vụ và xử lý trên 45.000 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách trên 186 tỷ đồng, riêng trong tháng 5/2015, kiểm tra trên 12.850 vụ, xử lý vi phạm 7.300 vụ và thu nộp ngân sách 31 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, hàng giả, hàng nhái tràn lan là do tâm lý của người tiêu dùng còn thích xài hàng có thương hiệu với giá rẻ. Hơn nữa là mức chế tài xử phạt, hành vi này còn quá nhẹ, chủ yếu tập trung vào xử phạt hành chính.
Theo quy định hiện hành, mức phạt cao nhất đối với doanh nghiệp là 500 triệu đồng, cá nhân 250 triệu đồng. Bà Nguyễn Như Quỳnh, Thanh tra Bộ KH&CN nhận định, hàng giả đang ngày càng được làm tinh vi và đáng báo động. Tình trạng này càng nghiêm trọng hơn trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập quốc tế mạnh mẽ hơn.
Với một loạt hiệp định thương mại được ký kết trong năm nay, sản phẩm ngoại tràn lan bao vây thị trường nội địa thì việc đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng sáng chế, SHTT… là cách bảo hộ quyền lợi thiết thực nhất cho chính doanh nghiệp.
Doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến SHTT
Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng hàng giả, hàng nhái, vi phạm SHTT ngày càng gia tăng là do nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến việc bảo vệ thương hiệu của mình, chưa chủ động đấu tranh ngăn chặn kịp thời.
Mặc dù chứng nhận về SHTT là căn cứ quan trọng để đảm bảo giá trị pháp lý cho sản phẩm và doanh nghiệp, nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn thờ ơ hoặc lúng túng trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến việc xác lập, bảo vệ, khai thác thương mại quyền SHTT. Trong tổng số 95.000 nhãn hiệu đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu công nghiệp Việt Nam, chỉ 20% là của doanh nghiệp Việt Nam, mà đa số nhãn hiệu đăng ký là của các doanh nghiệp tư nhân.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Công ty Nghiên cứu thị trường Cimigo, hiện có hơn 23 triệu người Việt Nam đang sử dụng internet. Hiểu được tầm quan trọng của xây dựng thương hiệu online nên hầu hết doanh nghiệp đều đã xây dựng website hoặc tham gia các hoạt động kinh doanh, quảng cáo trực tuyến. Thế nhưng, trên thực tế, số lượng doanh nghiệp thật sự quan tâm đến xây dựng thương hiệu online chưa nhiều.
Ông Trần Hữu Nam, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Bộ KH&CN cho biết, nhiều doanh nghiệp bị xâm phạm quyền SHTT nhưng lại không hợp tác với các cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn, vì họ e ngại việc tố cáo hàng giả hàng nhái sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín và doanh thu của sản phẩm khi người tiêu dùng chưa thực sự phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả.
Đồng thời, nếu doanh nghiệp công bố cách nhận biết hàng giả hàng nhái, thì đó lại là cơ sở để các đối tượng sản xuất hàng giả hàng nhái làm theo…
Hãy tự bảo vệ chính mình
Để có thể chống hàng giả, hàng nhái một cách tích cực và hiệu quả cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thực thi và các chủ thể quyền. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, các cơ quan chức năng cần quán triệt, xác định rõ nhiệm vụ chống buôn bán hàng giả, vi phạm SHTT; phải thể hiện rõ hơn vai trò, trách nhiệm trong bảo vệ thương hiệu, quyền lợi chính đáng thông qua các hoạt động trao đổi, cung cấp thông tin; tích cực phối hợp với các cơ quan truyền thông áp dụng các hình thức tuyên truyền tốt hơn nữa.
Các lực lượng chức năng tăng cường, tập trung nắm thông tin kiểm tra, điều tra các đường dây ổ nhóm sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng giả, hàng nhái quy mô lớn để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật tạo niềm tin của các doanh nghiệp và nhân dân.
Về phía các doanh nghiệp, các tập đoàn cũng như tổng công ty có thương hiệu và chưa có thương hiệu, cần phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, đăng ký kinh doanh, tuân thủ các quy trình tiêu chuẩn, điều kiện sản xuất - kinh doanh, bảo vệ môi trường; thực hiện đầy đủ các quy định ghi nhãn hàng hóa, ghi mã số, mã vạch và các quy định về đo lường chất lượng.
Tuy nhiên, lực lượng của cơ quan chức năng hiện còn mỏng, năng lực đánh giá vi phạm chưa cao, vì thế mà chưa thể chủ động trong việc xử lý vi phạm. Do đó, chủ thể quyền SHTT là các doanh nghiệp lại càng cần phải phát huy vai trò trong công cuộc chống hàng giả, hàng nhái. Cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có thương hiệu đã được xây dựng và hoạt động, kinh doanh có hiệu quả, cần phối hợp, phản ánh kịp thời những thông tin liên quan đến hàng giả, hàng vi phạm SHTT cho các lực lượng thực thi.
Đại diện Công ty TNHH Honda Việt Nam cho rằng “cách tốt nhất để các doanh nghiệp bảo vệ sản phẩm mình chính là phải xác lập quyền từ trước khi ra sản phẩm, thậm chí phải xác lập quyền ngay khi còn đang trong quá trình nghiên cứu kiểu dáng, mẫu mã…”. Theo ông Trần Minh Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Dầu khí An Pha, để được bảo vệ tốt nhất, bản thân doanh nghiệp phải xây dựng hệ thống phân phối và thay đổi cách bán hàng.
Nếu hệ thống phân phối nhiều tầng lớp thì sẽ mất tập trung, khó kiểm soát; cách bán hàng tốt nhất là phải hướng đến người tiêu dùng. Cần xây dựng quỹ bảo vệ thương hiệu, bảo vệ doanh nghiệp, góp phần để doanh nghiệp có thể đứng vững trên thương trường trong bối cảnh lan tràn hàng giả, hàng nhái như hiện nay.
Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) cho rằng, vai trò của doanh nghiệp là rất quan trọng để góp phần gắn kết và hợp tác với các đơn vị chức năng, các cơ quan thực thi pháp luật cùng toàn xã hội tạo nên sức mạnh tổng hợp chống vấn nạn hàng giả, hàng vi phạm SHTT.
Nhà nước cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách nhằm kịp thời khắc phục những kẽ hở, bất cập và xử lý mạnh, triệt để về buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả, gian lận thương mại, đồng thời tạo điều kiện cho sản xuất - kinh doanh phát triển.