Sản phẩm bán chạy nhất của công ty Nhật này là rayon, một loại sợi được sản xuất từ bột gỗ. Sử dụng quy trình sản xuất tương tự, Omikenshi đang biến một loại cellulose không tiêu hóa được thành một loại bột gỗ được trộn với konjac, một loại cây được trồng tại Nhật giống như khoai lang. Quá trình này sẽ tạo ra một loại bột giàu chất xơ mà không chứa gluten, chất béo và gần như không có carbodydrate. Nó chỉ chứa 60 calori mỗi kilogram, so với 3.680 calori của lúa mì.
Giống như nhiều doanh nghiệp khác, Omikenshi đang đặt cược vào một thị trường thực phẩm vì sức khỏe trị giá 1.200 tỉ yen vào năm 2013, hơn gấp đôi mức cách đây 2 thập niên, theo Cục Bảo vệ người tiêu dùng Nhật (CAA).
“Chúng tôi đang bước vào lĩnh vực thực phẩm”, Takashi Asami, nhà quản lý tại bộ phận phát triển vật liệu chiến lược của Omikenshi, cho biết. “Nhu cầu đối với thực phẩm ăn kiêng rất lớn và hứa hẹn nhiều triển vọng”, trong khi thị trường dệt Nhật đang bão hòa và bị đe dọa bởi hàng nhập khẩu tăng mạnh”, ông nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn tại nhà máy sản xuất rayon của Omikenshi ở thành phố Kakogawa. Được biết, sản xuất rayon của nước Nhật đã giảm khoảng 90% so với mức đỉnh hồi năm 1967, theo Hiệp hội Sợi hóa chất Nhật.
Thực ra, đã có mì sợi được làm từ konjac. Nhưng lại rất khó bán vì vị đắng của nó, theo Keiichi Ohi, trợ lý giám đốc phụ trách xúc tiến xuất khẩu hàng nông sản tại văn phòng chính quyền tỉnh Gunma, nhà sản xuất konjac lớn nhất nước Nhật. Đó là nơi mà bột giấy được đưa vào, giúp cải thiện được mùi vị và cơm thịt của mì, theo Asami.
Biến bột gỗ thành mì sợi là cách mà ngành nông nghiệp được bảo hộ nghiêm ngặt của Nhật đang thích ứng với những thay đổi khi Thủ tướng Shinzo Abe tìm cách giảm bớt các khoản trợ cấp đắt đỏ đã tiêu tốn của chính phủ 8 tỉ USD trong năm tài chính này. Ông Abe đã nới lỏng các quy định dán nhãn thực phẩm trong tháng 4, cho phép các nhà sản xuất quảng bá lợi ích về sức khỏe của một số sản phẩm mà không phải thông qua quy trình phê duyệt khắt khe của cơ quan y tế Nhật.
Vào cuối tháng 10, các công ty đã “tận dụng” các quy định mới để đăng ký 120 thực phẩm chức năng với Cục Bảo vệ người tiêu dùng Nhật, trong đó có 43 sản phẩm từ các nhà sản xuất mà trước đây không hề hoạt động trong ngành sản xuất thực phẩm. Nippon Paper Industries Co., nhà sản xuất giấy lớn thứ 2 của Nhật, đang quảng bá hạt giống của một loại trà mới mà hãng cho biết giúp kiểm soát cholesterol và làm dịu căng thẳng ở mắt.
Sản phẩm mì sợi của Omikenshi có thể giúp nông dân trồng konjac, nông sản được bảo hộ nhiều nhất ở Nhật. Chính phủ hiện áp mức thuế quan 2.796 yen/kg, tức 990%, đối với konjac nhập khẩu để bảo vệ nông dân trong nước, hầu hết là những người dân sống ở tỉnh Gunma, cách thủ đô Tokyo 100 km về phía Bắc. Nhật đồng ý giảm mức thuế quan khoảng 15% theo thỏa thuận của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Hiệp định TPP là động lực để nông dân Nhật phải tìm kiếm các thị trường xuất khẩu bên ngoài. Hàng nông sản xuất khẩu của Gunma, chẳng hạn, đã tăng tới 600 triệu yen trong năm tài chính vừa qua, gấp 3 lần mục tiêu đặt ra ban đầu, chủ yếu là vì nhu cầu mạnh đối với thịt bò Wagyu chất béo cao của quận này nhằm thỏa mãn sở thích của những người sành ăn trên toàn cầu và konjac không béo của tỉnh dành cho những người ăn vì sức khỏe ở châu Âu, theo Ohi.
Omikenshi, nhà sản xuất sợi rayon lớn thứ 2 ở Nhật, sẽ bỏ ra khoảng 1 tỉ yen vào cơ sở sản xuất mì sợi từ konjac trong nhà máy dệt của nó ở thành phố Kakogawa ở quận Hyogo. Sản xuất sẽ bắt đầu vào năm tới với công suất 30 tấn mỗi tháng và có thể tăng gấp 3 lần tùy vào nhu cầu, Asami, nhà quản lý tại bộ phận phát triển vật liệu chiến lược của Omikenshi, cho biết. Nhà sản xuất này đang đàm phán với các công ty thực phẩm để phát triển và tiếp thị các sản phẩm sử dụng bột mì giàu chất xơ tương tự, ông cho biết thêm.
“Nó có thể được sử dụng thay cho lúa mì trong các sản phẩm từ mì ramen, mì pasta và các loại bánh bao, bánh hấp của Trung Quốc. Chúng tôi đang thương thảo xuất khẩu sản phẩm này sang Trung Quốc trong tương lai khi tình trạng béo phì đang trở thành một vấn nạn của trẻ em ở đó”, Asami nói.
Theo Nhịp cầu đầu tư