Bắc Giang không chỉ được biết đến với vải thiều Lục Ngạn trứ danh, chùa Vĩnh Nghiêm cổ kính hay làn điệu quan họ ngọt ngào mà còn là nơi lưu giữ kho tàng văn hóa dân gian phong phú, đậm đà bản sắc Kinh Bắc. Trong lớp trầm tích văn hóa ấy, những câu ca dao mộc mạc, trữ tình vẫn vang vọng như tiếng nói của đất trời và con người nơi đây. Một trong số đó là bài ca về làng Quỷnh gợi nhớ về một miền quê yên bình, mở ra cánh cửa dẫn lối du khách đến với một vùng đất dung dị, giàu bản sắc.
"Ai lên làng Quỷnh hái chè
Hái dăm ba lá xuống khe ta ngồi!
Muốn ăn cơm trắng cá mè
Thì lên làng Quỷnh hái chè với anh
Muốn ăn cơm trắng cá rô
Thì lên làng Quỷnh quẩy bồ cho anh!"
Chính sự yên ả, bình dị lại là điều mà Bắc Giang níu chân du khách. Ở đó, những đồi chè xanh ngát nối tiếp nhau như tấm thảm lụa trải dài dưới nắng, những dòng suối khe róc rách, và cả những làng quê đậm chất Bắc Bộ với tiếng giã gạo, tiếng gọi nhau í ới giữa buổi chiều tà.
LÀNG QUỶNH - VẺ ĐẸP TỪ ÁNG CA DAO
Câu ca xưa gợi nhớ một vùng chè nổi tiếng trên đất Bắc Giang thủa nào. Chợ chè ở ngay giữa làng Quỷnh (nay thuộc xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, Bắc Giang) nên làng này còn được gọi là làng Quỷnh Chè. Vào những năm giữa thế kỷ 20 trở về trước thì nơi đây suốt ngày nọ sang ngày kia luôn tấp nập, đông vui, rộn ràng không khác gì nơi đô hội. Ở làng Quỷnh Chè, người đến mua chè, hái chè thuê thậm chí nhiều lúc còn đông hơn cả dân làng.
Khác với các chợ phiên truyền thống chỉ họp vào sáng sớm và bày bán đủ loại hàng hóa vài lần mỗi tháng, chợ chè làng Quỷnh lại mang nét riêng biệt, chợ họp đều đặn vào mỗi chiều tối, ngày nào cũng có và chỉ chuyên buôn bán một mặt hàng duy nhất là chè. Chợ cũng chẳng có cảnh mặc cả, ngã giá, giản dị mà náo nhiệt, đầy bản sắc riêng của một làng nghề từng nức tiếng gần xa.

Đồi chè Bắc Giang gây thương nhớ bởi sự xanh mát, trong lành
Làng Quỷnh từ xa xưa đã nổi danh là vùng đất trù phú, giàu sang nhờ nghề trồng chè. Cũng bởi thế, dân làng và cả những người đến làm thuê đều thường xuyên được ăn cơm trắng với cá kho. Một bữa ăn tưởng như bình dị mà lại mang dư vị no ấm, đủ đầy, phản ánh rõ nét cuộc sống sung túc của một làng nghề từng phồn thịnh một thời.
TRẢI NGHIỆM DU LỊCH SINH THÁI ĐẬM CHẤT BẮC BỘ

Không phải ngẫu nhiên mà hình ảnh “hái chè” và “quẩy bồ” lại xuất hiện nhiều trong thơ ca dân gian vùng Kinh Bắc. Đó là những công việc gắn liền với đời sống nông nghiệp đồng thời là hoạt động mang nhiều ý nghĩa văn hóa. Ngày nay, nhiều hộ gia đình ở xã Nghĩa Phương và các vùng lân cận đang phát triển mô hình du lịch cộng đồng (homestay) kết hợp trải nghiệm nông nghiệp.

Du khách có thể tham gia một ngày làm nông dân, từ hái chè, sao chè, đến gói chè khô truyền thống. Đây không chỉ là hoạt động du lịch đơn thuần mà còn là cơ hội để hiểu hơn về quy trình tạo nên tách chè xanh thơm ngát.
Như bài ca dao đã đề cập đến, “Muốn ăn cơm trắng cá rô…”, cái thú ẩm thực Bắc Giang không nằm ở sự cao sang mà ở cách chế biến tự nhiên, gắn bó với đồng ruộng, ao hồ và nếp sống dân dã.

Đến với nơi đây, người lữ hành còn có thể cùng người dân bản địa ra suối bắt cá, nướng cá rô, cá mè tại chỗ. Những bữa ăn quê chân chất với cơm trắng, cá đồng, rau rừng, mắm tép… đến những đặc sản nổi tiếng như vải thiều, mỳ Chũ, rượu làng Vân... nhưng lại khiến người ta nhớ mãi không quên.
TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH
Từng được ví như “viên ngọc xanh” giữa lòng miền Bắc, Bắc Giang là vùng đất hội tụ đầy đủ yếu tố để phát triển du lịch bền vững: thiên nhiên hùng vĩ, di sản văn hóa lâu đời và những làng nghề truyền thống vẫn giữ nguyên nhịp sống mộc mạc. Từ non thiêng Tây Yên Tử mờ sương, Chùa Bổ Đà, khu bảo tồn Khe Rỗ nguyên sinh, Cao nguyên Đồng Cao xanh mát đến vườn vải Lục Ngạn rực rỡ mỗi độ hè sang... Tất cả vẽ nên một Bắc Giang yên bình nhưng đầy sức hút. Tuy nhiên, Bắc Giang vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng du lịch vốn có.

Theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính đang được trình Bộ Chính trị xem xét, tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh sẽ được hợp nhất, lấy tên là Bắc Ninh, trong khi trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Bắc Giang. Dự thảo kỳ vọng sẽ tạo nên bước ngoặt phát triển toàn diện cho vùng, trong đó có ngành du lịch.
Sự hợp nhất hứa hẹn hình thành một không gian du lịch rộng lớn, đa dạng loại hình, từ du lịch tâm linh, sinh thái, văn hóa đến nghỉ dưỡng và trải nghiệm nông thôn. Bắc Ninh mang đến nền tảng văn hóa đậm đặc và hạ tầng đô thị hóa phát triển, trong khi Bắc Giang bổ sung không gian tự nhiên, tài nguyên sinh thái, nông nghiệp và những điểm đến đang “ngủ quên” cần được đánh thức.
Khi được quy hoạch và khai thác hợp lý, vùng du lịch mới sẽ trở thành trục kết nối vàng của miền Bắc. Không còn phát triển du lịch theo kiểu đơn lẻ, từng địa phương mà là sự phối hợp liên hoàn, tạo bản sắc vùng thống nhất và bền vững.
Dự thảo này là cú hích để du lịch Bắc Giang vươn lên mạnh mẽ, cùng Bắc Ninh tạo thành một trung tâm du lịch văn hóa – sinh thái – tâm linh đặc sắc của miền Bắc. Trong bối cảnh xu hướng du lịch đang dịch chuyển về với giá trị bản địa, trải nghiệm và thiên nhiên, vùng đất hợp nhất này sẽ có nhiều lợi thế để bứt phá, thu hút đầu tư và khách du lịch trong tương lai gần.

Có thể thấy rằng, ca dao, tục ngữ là kho tàng văn hóa vô giá của dân tộc. Mỗi câu thơ, mỗi lời hát đều chứa đựng một phần lịch sử, địa lý, phong tục tập quán và lối sống của người xưa. Câu ca dao "Muốn ăn cơm trắng cá mè / Thì lên làng Quỷnh hái chè với anh" không chỉ mang ý nghĩa tỏ tình, mà còn phản ánh mối gắn bó giữa con người và thiên nhiên.
Việc đưa những di sản ấy vào phát triển du lịch không chỉ là cách quảng bá hình ảnh địa phương mà còn góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc một cách bền vững.