Đội tuyển Argentina sắp bước vào trận bán kết World Cup đã chờ đợi suốt 24 năm, trong khi ở một trận đấu khác họ đã lùi sát bờ vực phá sản.
Mọi sự chú ý của người Argentina đang đổ dồn về trận đấu ngày 13/7 tới với đội tuyển Đức, sau khi đội bóng của họ vượt qua Hà Lan trong loạt sút luân lưu tại bán kết. Bất chấp kết quả thế nào, đây vẫn là thành tích đáng nhớ đối với Argentina, bởi họ chưa từng làm được điều này suốt 5 vòng chung kết gần đây.
Tin tức về bóng đá đang lấn át trang chủ các tờ báo dường như làm người ta tạm quên đi một trận chiến sống còn hơn tại đất nước này. Lãnh đạo Argentina đang phải tìm cách thuyết phục các chủ nợ quốc tế nhằm ngăn không cho đất nước rơi vào một vụ vỡ nợ lần thứ hai trong lịch sử. Nếu họ thất bại, viễn cảnh tồi tệ trên sẽ xảy ra vào ngày 30/7 tới .
Người Argentina đang phấn khích vì đội bóng của họ lại lọt vào vòng bán kết sau 24 năm. Ngược lại, kinh tế nước này có nguy cơ vỡ nợ lần hai sau 13 năm.
Năm 2001, Argentina từng tuyên bố vỡ nợ và không thể thanh toán cho các chủ nợ nước ngoài số tiền tổng cộng 100 tỷ USD. Sau tuyên bố trên, lần lượt vào năm 2005 và 2010, đại đa số các chủ nợ của Argentina đã đồng ý tái cơ cấu 93% số trái phiếu Chính phủ của mà họ đang nắm giữ.
Số chủ nợ còn lại từ chối xóa nợ và kiên quyết đòi Argentina trả bằng được cả gốc lẫn lãi. Mối bất hòa kéo dài đến giữa tháng 6/2014, Tòa án Tối cao Mỹ đã tuyên bố từ chối xem xét đề nghị tái cơ cấu nợ của Argentina, buộc nước này phải thanh toán khoản lãi 539 triệu USD cho các chủ nợ đâm đơn kiện trước ngày 30/6, được ân hạn đến ngày 30/7.
Tình thế buộc Argentina phải chạy đua thời gian, nhanh chóng đi đàm phán với nhóm chủ nợ từ chối phương án tái cơ cấu. Hôm thứ hai, một đoàn lãnh đạo cấp cao của Argentina, đứng đầu là Bộ trưởng Tài chính Axel Kicillof đã sang Mỹ để gặp trung gian dàn xếp. Đến thứ sáu tới, Argentina và các chủ nợ sẽ cùng ngồi lại để thương thuyết một lần nữa.
Bộ trưởng Tài chính Argentina, Axel Kicillof đi gặp nhà trung gian hòa giải hôm thứ hai tại Mỹ. Ảnh: Reuters
Một trong những nguyên nhân khiến chính phủ Argentina khó có thể trả đầy đủ khoản nợ, là nếu họ tuân theo yêu cầu của nhóm chủ nợ nói trên, họ cũng sẽ phải trả cho các chủ nợ khác hàng tỷ USD và điều này sẽ dẫn đến sự phá sản ở cấp độ quốc gia. Theo phán quyết trước đây của Tòa án tối cao Mỹ, Argentina sẽ phải chi trả một cách công bằng với tất cả các nhóm chủ nợ, tờ Wall Street Journal cho biết
Các nhà phân tích nhận định, tình huống hiện nay càng đẩy nền kinh tế Argentina vào hố sâu suy thoái, vốn xuất hiện từ nửa đầu năm nay khi nước này thiếu hụt dự trữ ngoại tệ và lạm phát ở mức hai chữ số.
Những nỗ lực tái hòa nhập vào hệ thống tài chính thế giới của Argentina cũng càng trở nên khó khăn nếu họ không thương thuyết thành công vào cuối tuần này. Trước đó, Argentina đã đạt được một số thỏa thuận trong vài tháng gần đây với câu lạc bộ các chủ nợ Paris và đại gia dầu mỏ Repsol của Tây Ban Nha, nhằm khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại.
Anh Đức