Các học giả lo lắng rằng nếu việc bán đấu giá tiếp tục được tiến hành như dự kiến, những cuốn sách cổ có niên đại hàng trăm năm này sẽ bị những nhà sưu tập tư nhân thâu tóm và đem ra nước ngoài.
Cả bốn cuốn sách cổ sắp bị đem bán đều được in từ thế kỷ 17. Hiện chỉ
có 232 cuốn sách cổ tương tự trên thế giới. Trong đó, cuốn sách in đời
đầu của tác giả William Shakespeare được phát hành năm 1623 là một trong
những cuốn hiếm hoi còn nguyên vẹn cho tới hôm nay.
Cuốn sách có những bức tranh do một người thợ chuyên khắc bản in nổi tiếng lúc bấy giờ - ông Martin Droeshout thực hiện.
Cuốn sách của tác giả William Shakespeare được in năm 1623, đây là ấn bản sách in đầu tiên của Shakespear được tung ra thị trường.
Thư viện đồ sộ nằm trong trường Đại học London (trái), nơi đây đang nắm giữ những cuốn sách cổ hiếm có. Một nhà hảo tâm người Mỹ có tên Louis Sterling (phải) đã để lại những cuốn sách này cho thư viện hồi năm 1958 sau khi ông qua đời.
Trường Đại học London hy vọng sẽ thu về khoảng 5 triệu bảng Anh (gần 166 tỉ VND) sau khi rao bán những cuốn sách cổ này vào tháng 11 tới đây. Điều đáng nói là khi tặng những cuốn sách này cho thư viện nhà trường, ông Louis Sterling đã dặn rằng nhà trường không được đem bán chúng đi.
Hiện tại thư viện này đang nắm giữ hai cuốn sách in đời đầu của tác giả William Shakespeare, vì vậy, một cuốn sẽ bị đem bán bởi chúng về cơ bản là hai bản sao giống hệt nhau.
Quyết định của trường Đại học London đã khiến các chuyên gia nghiên
cứu về William Shakespeare lên án dữ dội và gọi đây là một quyết định
“rác rưởi” bởi không có chuyện tồn tại hai cuốn sách giống hệt nhau.
Việc in ấn ở thế kỷ 17 rất khác so với thời nay. Khi đó, in một cuốn sách nghĩa là lần lượt in thủ công từng trang sách và trong quá trình in, rất nhiều khi công việc bị ngừng lại để thực hiện những thay đổi, sửa chữa nhỏ.
Một đoạn độc thoại trong vở kịch Hamlet của nhà soạn kịch đại tài William Shakespeare. Cuốn sách là ấn bản đầu tiên, phát hành năm 1623, bao gồm nội dung của 36 vở kịch, trong đó có 18 vở chưa từng được công diễn trước đây.
Các tác phẩm của Shakespeare không được công bố một cách đầy đủ cho tới tận năm 1623. Trước đó, nhiều vở kịch của Shakespeare chưa từng được công chúng biết tới bởi chúng bị cho là những tác phẩm không có giá trị.
Đa số các cuốn sách cổ này đều đã bị đưa ra nước ngoài, vì vậy, rất nhiều học giả đã viết thư về cho trường Đại học London, cảnh báo rằng nếu trường tiếp tục kế hoạch đem bán những cuốn sách này, danh tiếng nhà trường sẽ bị ảnh hưởng.
Thư viện của trường Đại học London là một trong những thư viện danh tiếng ở Anh. Quyết định bán sách được tặng của nhà trường có thể sẽ làm những người sưu tầm sách hảo tâm từ bỏ ý định tặng sách cho trường trong tương lai.
Một bức chân dung cổ của nhà thơ - nhà soạn kịch đại tài William Shakespeare được thực hiện bằng bản in khắc, nằm trong cuốn sách cổ sắp bị đem bán đấu giá.
Đại diện của trường Đại học London cho biết họ dự định sử dụng số
tiền thu về từ cuộc bán đấu giá để mua thêm nhiều sách mới. Tuy vậy, đối
với các học giả, lý do được đưa ra cho thấy trường Đại học London đang
đầu tư vào một “canh bạc” quá bấp bênh.
Nếu những cuốn sách này phải rời khỏi thư viện nhà trường, nơi đây coi như đã đánh mất món bảo vật quý giá nhất, giống như vở kịch Hamlet thiếu đi nhân vật chính - Hoàng tử Hamlet.
Các học giả lo sợ rằng sau khi những cuốn sách cổ rơi vào tay một nhà sưu tập tư nhân, công chúng sẽ không còn được chiêm ngưỡng chúng nữa.
Bích Ngọc