Chỉ trong có một tuần thì nền kinh tế cũng như những thay đổi nền tảng của thị trường không thể nào dẫn đến những phiên bán tháo ồ ạt như vừa được chứng kiến trong tuần qua.
Margin đã xong?
Nguyên nhân lớn nhất được đổ lỗi cho biến động giảm nhanh và mạnh tuần qua chính là yếu tố đòn bẩy tài chính. Từ những tin đồn trên thị trường, lẫn các tin chính thức trên mặt báo đều góp phần xác nhận một mức độ margin đang rất cao. Thị trường không cần đến một con số thực nào cả, chỉ cần số đông cùng nghĩ như vậy, một xu hướng có thể hình thành: bán ra.
Câu chuyện margin bắt đầu từ việc một công ty chứng khoán loan tin cần vay thêm 1.400 tỷ đồng để “dự phòng bổ sung nguồn vốn lưu động”. Công ty chứng khoán cần vốn lưu động để làm gì, ngoài việc cung cấp đòn bẩy tài chính?
Hiện tại đa số công ty chứng khoán đều hợp tác với ngân hàng và có một hạn mức tín dụng cho hoạt động này. Nhu cầucần vay thêm ngay lập tức được thị trường diễn giải là “hết vốn”. Điều này có vẻ phù hợp với nhiều thông tin trong cộng đồng đầu tư rằng khách hàng đã không thể vay thêm được nữa.
“Hết vốn” là một cách hiểu khác của một thông điệp nguy hiểm hơn: Mức độ margin trên thị trường đã ở ngưỡng tối đa. Nếu như một công ty phát đi thông điệp như vậy thì không có gì đảm bảo rằng các công ty khác không nằm trong tình trạng đó. Nếu như margin ở mức tối đa thì đồng nghĩa sức mua của lượng tiền mặt hiện tại cũng đã ở mức tối đa.
Kết luận từ những thực tế phỏng đoán đó rất đa dạng và tất cả đều xấu: Các công ty chứng khoán sẽ chịu áp lực giảm mức độ cung cấp đòn bẩy xuống, đồng nghĩa với dừng cho vay mới và bắt đầu tính đến việc khuyên khách hàng giảm rủi ro bằng cách bán bớt. Lượng tiền có khả năng đẩy giá lên cao không thể mạnh thêm tức là giá khó tăng thêm, trong khi đó thị trường lại chịu áp lực từ việc bán giảm margin. Các giao dịch cơ hội nắm bắt được mạch đập của thị trường trước tình trạng đó sẽ gia tăng hoạt động…
Tóm lại, cho đến cuối tuần trước và hai phiên đầu tuần này, mức độ thận trọng trên thị trường đã là khá cao, thể hiện ở việc giá đuối dần kết hợp với thanh khoản giảm. Tuy nhiên đó chưa phải là dấu hiệu đẩy tâm lý từ trạng thái thận trọng sang sợ hãi.
Các đợt xả rất mạnh trong 3 phiên giữa tuần mới thực sự là tín hiệu xấu: Có gì thay đổi chóng mặt đến mức một lượng lớn cổ phiếu phải bán tống bán tháo như vậy?
Về kỹ thuật, phương pháp bán cường độ cao, lệnh lớn hiếm khi xuất phát từ các nhà đầu tư cá nhân nhỏ. Ngay cả khi thị trường không xuất hiện thông tin tiêu cực nào, trạng thái giao dịch như vậy cũng là rất bất thường, ẩn đằng sau là một rủi ro nào đó, dù đa số nhà đầu tư không biến rõ là vấn đề gì.
Quy mô margin trên thị trường luôn là một ẩn số với đại đa số nhà đầu tư. Chỉ có cơ quan quản lý mới có thể nắm được con số này một cách tương đối. Trong điều kiện thị trường bình thường, các công ty chứng khoán phải báo cáo định kỳ mức độ cung cấp đòn bẩy tài chính.
Trong trường hợp thị trường rất nóng, tần suất báo cáo thậm chí là hàng ngày. Con số này cũng chỉ là một phần của sự thật: Các vay mượn cá nhân trực tiếp với ngân hàng đến bản thân các công ty chứng khoán cũng không nắm được.
Liệu margin có thực sự là nguyên nhân của những biến động ngắn hạn rất mạnh trong tuần qua hay không, hay chỉ là tác động một phần? Không ai có thể biết chắc được điều đó. Tuy nhiên nếu margin thực sự là nguyên nhân, thị trường sẽ sớm cho thấy diễn biến vì nếu quy mô thực sự lớn, thị trường không thể tiêu hóa hết trong 1-2 phiên.
Vốn ngoại bán ròng: Chốt lời hay rút chạy?
Tuần vừa rồi thị trường cũng chứng kiến những phiên bán ròng lớn choáng váng của nhà đầu tư nước ngoài. Mức mua ròng qua thỏa thuận chưa tới 20 tỷ đồng không thể khỏa lấp được con số bán ròng 1.115,6 tỷ đồng thẳng trên sàn khớp lệnh. Đặc biệt là khối này càng lúc càng bán mạnh theo đà rơi của thị trường, không có chuyện đỡ giá hay tạm dừng bán như võ đoán thông thường.
Đợt bán ròng liên tục này đã kéo dài suốt từ đầu tháng 9 với chẵn 6 tuần liên tục. Nếu nhìn vào VN-Index, đợt bán đúng vào thời điểm thị trường xác lập đỉnh và điều chỉnh. Trong thời gian này, ngoài một tuần có yếu tố đột biến của giao dịch tái cân bằng ETF, các tuần còn lại đều có mức độ bán ròng rất lớn.
Tổng cộng từ đầu tháng 9 đến hết tuần này, nhà đầu tư nước ngoài đã chuyển hóa một lượng tiền mặt ròng lên tới 2.975,4 ỷ đồng.
Có nhiều cách giải thích về chuỗi tuần bán ròng này. Phổ biến nhất là cho rằng đó là chốt lời thuần túy. Khối ngoại đã mua rất lớn trong dịp tháng 5 đến tháng 8 trong sóng tăng và đến lúc này họ hiện thực hóa lợi nhuận.
Quan điểm này khó phản bác vì quả thực khối ngoại có điều kiện chốt lời, đồng thời quy mô bán ra hơn tháng nay chưa bằng quy mô mua vào trong sóng tăng. Cụ thể, từ tháng 5, thời điểm thị trường bắt đầu sụt giảm sâu do tác động của sự kiện biển Đông, đến cuối tháng 8, giá trị mua ròng khoảng 3.926,8 tỷ đồng. Mức bán ra từ tháng 9 đến nay mới bằng gần 76%.
Cách lý giải khác mang tính tiêu cực hơn, là đang có sự thay đổi trong dòng chảy của nguồn vốn này. Thị trường tài chính quốc tế đang gặp khó khăn, kết hợp với khả năng chấm dứt gói QE3, khiến dòng vốn từ các quốc gia mới nổi chạy ngược trở lại.
Khả năng này dường như khó xảy ra hơn và cũng khó kiểm chứng hơn. Tại đại hội nhà đầu tư thường niên của VinaCapital diễn ra tuần qua, vẫn tràn đầy những phát ngôn và dự báo lạc quan về triển vọng kinh tế vĩ mô và cơ hội của thị trường chứng khoán. Bản thân nhận định của VinaCapital về động thái bán ròng gần đây cũng nghiêng về giả thiết thứ nhất, một dạng chốt lời ngắn hạn.
Theo BizLive