Thông tin trên được ông Eric Sidgwick – Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho biết tại buổi họp báo sáng nay (22/9). Việc nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế là kết quả của nhiều yếu tố, như sản xuất công nghiệp tốt hơn, doanh nghiệp nước ngoài đẩy mạnh xuất khẩu... Niềm tin của người tiêu dùng tăng lên, chính sách mở thêm room thị trường chứng khoán, bất động sản củng cố niềm tin của doanh nghiệp.
Lạm phát thấp cũng hỗ trợ tăng trưởng, cho phép Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. Sang năm 2016, lạm phát dự báo sẽ cao hơn do ảnh hưởng từ việc phá giá tiền đồng.
“Với việc phá giá tiền đồng gần đây, lạm phát từ nhập khẩu sẽ tăng lên đôi chút trong tháng tới và năm 2016. Xu hướng tiêu dùng tăng, tín dụng cao hơn sẽ phải tiếp tục theo dõi, tạo áp lực lên lạm phát. Đó là lý do chúng tôi dự báo lạm phát tăng cao hơn trong năm 2016. Nhưng điều này cũng cho thấy Việt Nam không phải lo ngại về giảm phát, chúng ta còn xa mới đến tình trạng này”, ông Sidgwick nói.
Đại diện của ADB cũng chỉ ra một số thách thức Việt Nam phải đối mặt. Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc - đối tác quan trọng của Việt Nam đang suy giảm, kéo theo triển vọng thương mại ảm đạm hơn. Giá hàng hóa thế giới ở mức thấp cũng ảnh hưởng đến việc xuất khẩu dầu mỏ và nông nghiệp.
“Để giảm nhẹ tác động của những thách thức này, Việt Nam cần tiếp tục tiến hành tái cơ cấu và cải cách khu vực tài chính sâu rộng hơn, nâng cao năng suất và đẩy mạnh năng lực cạnh tranh”, lãnh đạo ADB phát biểu.