Trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ trở thành đối tác đầu tư tại Việt Nam từ đầu năm đến nay, 3 đối tác dẫn đầu lần lượt là Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản. Đây đều là các quốc gia đến từ khu vực châu Á, có sự tương đồng về văn hóa, đồng thời có mối quan hệ hợp tác lâu đời với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.
Số liệu về tình hình đầu tư nước ngoài từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, 7 tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào Việt Nam 1.408 dự án FDI mới, với tổng vốn đăng ký đầu tư 8,695 tỷ USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó, có 660 lượt dự án đăng ký tăng vốn, với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 4,245 tỷ USD, tăng 125,7% so với cùng kỳ 2015.
Tính chung 7 tháng đầu năm, Việt Nam đã thu hút thêm được 12,94 tỷ USD bao gồm cả vốn đăng ký mới và tăng thêm, tăng 46,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn FDI giải ngân từ đầu năm đến nay đạt 8,55 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ 2015.
Đánh giá về mức vốn đăng ký mới, tăng thêm và giải ngân trong 7 tháng đầu năm, lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng đây là kết quả khá tốt, chứng tỏ môi trường đầu tư tại Việt Nam đã được cải thiện thông qua một loạt các chính sách cải thiện môi trường đầu tư của Chính phủ và các Bộ, ngành thời gian qua.
Tuy vậy, theo dự báo của ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư): Thu hút FDI trong năm 2016 khó vượt qua được con số 23 tỷ USD của năm 2015.
Địa phương thu hút FDI mạnh nhất trong 7 tháng đầu năm là TP. Hải Phòng với 28 lượt dự án cấp mới và 21 lượt dự án tăng vốn, với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt 1,987 tỷ USD, chiếm 15,3% tổng vốn đầu tư.
Thủ đô Hà Nội đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt 1,686 tỷ USD, chiếm 13%; Đồng Nai đứng thứ 3 với tổng vốn đăng ký đạt 1,45 tỷ USD, chiếm 11,2% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam từ đầu năm đến nay.