1. Doanh nghiệp nước ngoài đã hoạt động 1 năm được lập Văn phòng đại diện
Có hiệu lực từ ngày 10/3/2016, Nghị định số 07/2016/NĐ-CP quy định thương nhân nước ngoài được phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh của mình tại Việt Nam theo cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Để được cấp giấy phép thành lập chi nhánh và văn phòng đại diện tại Việt Nam, thương nhân nước ngoài phải được thành lập, đăng ký kinh doanh theo pháp luật quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh phải phù hợp với cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Doanh nghiệp nước ngoài đã hoạt động 1 năm được có Văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Đặc biệt, thương nhân nước ngoài phải hoạt động ít nhất 1 năm, kể từ ngày được thành lập hoặc đăng ký nếu đề nghị cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện hoặc đã hoạt động ít nhất 5 năm đối với trường hợp đề nghị cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh.
Cũng theo Nghị định, Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Giấy phép thành lập Chi nhánh của thương nhân nước ngoài có thời hạn 5 năm nhưng không vượt quá thời hạn còn lại của Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài trong trường hợp giấy tờ đó có quy định về thời hạn.
2. Công ty quản lý quỹ không được vay vốn để đầu tư
Thay vì quy định công ty quản lý quỹ không được phép vay vốn để tài trợ cho hoạt động của quỹ như trước đây, Thông tư số 15/2016/TT-BTC quy định công ty quản lý không được vay để đầu tư; trừ khi vay ngắn hạn để trang trải các chi phí cần thiết cho quỹ hoặc thực hiện thanh toán các giao dịch chứng chỉ quỹ với nhà đầu tư.
Công ty quản lý quỹ không được vay vốn để đầu tư.
Trong đó, tổng giá trị các khoản vay ngắn hạn của quỹ, không bao gồm các khoản tạm ứng, các khoản phải trả, không được quá 5% giá trị tài sản ròng của quỹ tại mọi thời điểm. Thời hạn vay chỉ tối đa 30 ngày.
Về lệnh mua chứng chỉ quỹ, Thông tư chỉ rõ, tiền mua chứng chỉ quỹ sau khi chuyển vào tài khoản tiền của quỹ tại ngân hàng giám sát thì được giải ngân để đầu tư ngay trong ngày giao dịch chứng chỉ quỹ; trong khi trước đây quy định tiền mua chứng chỉ quỹ chỉ được giải ngân để đầu tư sau ngày giao dịch chứng chỉ quỹ.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/03/2016.
3. Sở hữu ứng dụng di động bán hàng phải thông báo với Bộ Công thương
Thông tư số 59/2015/TT-BTC quy định thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu ứng dụng bán hàng trên điện thoại di động phải thông báo với Bộ Công thương. Việc thông báo này phải được thực hiện từ ngày 31/03/2016 - ngày Thông tư có hiệu lực.
Đối với các ứng dụng di động được thành lập và hoạt động trước ngày 31/03/2016, thương nhân, tổ chức, cá nhân phải tiến hành thông báo trước ngày 31/05/2016.
Doanh nghiệp sở hữu ứng dụng di động bán hàng phải thông báo với Bộ Công thương.
Cũng theo Thông tư, thương nhân, tổ chức, cá nhân sử hữu ứng dụng bán hàng trên điện thoại di động phải tuân thủ các nghĩa vụ về bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng; thông báo cho người tiêu dùng về việc ứng dụng của mình sẽ thu thập những thông tin gì trên thiết bị di động khi được cài đặt và sử dụng.
Đặc biệt, không được phép mặc định buộc người tiêu dùng phải sử dụng các dịch vụ đính kèm khi cài đặt và sử dụng ứng dụng của mình.
4. Có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc khi kinh doanh dược liệu
Có hiệu lực từ ngày 6/3/2016, thông tư số 03/2016/TT-BYT quy định các cơ sở xuất khẩu, nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ và dịch vụ bảo quản dược liệu phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc có phạm vi kinh doanh dược liệu.
Các cơ sở kinh doanh dược liệu phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.
Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh dược liệu còn phải đáp ứng một số điều kiện khác. Cụ thể, với cơ sở bán lẻ dược liệu, phải có địa điểm cố định, diện tích tối thiểu 25m2, riêng biệt; có khu vực trưng bày, khu vực bảo quản dược liệu; có thiết bị để bảo quản thuốc tránh được các ảnh hưởng bất lợi của môi trường; có đủ nhân viên trình độ phù hợp với công việc được giao, trong đó có ít nhất 1 người có trình độ từ dược tá trở lên; nhân viên phải được thường xuyên đào tạo, tập huấn chuyên môn…
5. Kinh doanh truyền hình trả tiền chỉ được khai thác tối đa 30% kênh nước ngoài
Một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị định số 06/2016/NĐ-CP là quy định về việc số lượng kênh chương trình nước ngoài khai thác trên hệ thống dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền chỉ tối đa 30% tổng số kênh khai thác.
Trên kênh truyền hình trả tiền không được bao gồm các thông tin quảng cáo cài đặt sẵn từ nước ngoài; các nội dung quảng cáo đều phải thực hiện tại Việt Nam.
Kinh doanh truyền hình trả tiền chỉ được khai thác tối đa 30% kênh nước ngoài.
Về việc thu tín hiệu truyền hình thuộc dịch vụ phát thanh, truyền hình, Nghị định cho phép người sử dụng được lắp đặt thiết bị thu tín hiệu truyền hình trực tiếp từ vệ tinh để thu xem các kênh chương trình truyền hình thuộc dịch vụ truyền hình qua vệ tinh của Việt Nam mà không phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.
Đối với việc thu tín hiệu truyền hình không thuộc dịch vụ phát thanh, truyền hình (thu tín hiệu truyền hình nước ngoài trực tiếp từ vệ tinh để xem các kênh truyền hình nước ngoài), chỉ cơ quan Nhà nước ở trung ương và cấp tỉnh; cơ quan báo chí; cơ quan, tổ chức ngoại giao… được thực hiện để khai thác thông tin phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/3/2016.
Theo Nhịp Sống Kinh Doanh