400.000 tỷ đẩy doanh nghiệp “bật dậy”

Dù vẫn còn không ít doanh nghiệp khó khăn nhưng gần 400.000 tỷ đồng đã chảy vào nền kinh tế chỉ trong 8 tháng đầu năm.
400.000 tỷ đẩy doanh nghiệp “bật dậy”
Khoảng 400.000 tỷ đồng được đưa vào nền kinh tế - Ảnh: Ngọc Thắng

Đây là con số cao nhất kể từ 3 năm trở lại đây và rất nhiều doanh nghiệp (DN) đã thực sự bật dậy.
Doanh số tăng gấp đôi
Ông Cao Tiến Vị, Tổng giám đốc Công ty CP giấy Sài Gòn, cho hay mức tăng trưởng đạt được từ đầu năm đến nay gần 30%, doanh số tăng mạnh ở mức 2.200 tỷ đồng gấp đôi mức 1.100 tỷ đồng năm ngoái, trong đó một phần nhờ tăng năng suất từ Nhà máy Mỹ Xuân 2. Mỹ Xuân 2 vừa đi vào hoạt động từ đầu năm nay, trễ 5 năm so với kế hoạch, nhưng vẫn khiến ông Vị thở phào vì 2 năm trước tưởng như dự án phải ngừng lại khi các nhà đầu tư lần lượt bỏ đi. Ông Vị cho biết, hoạt động kinh doanh đã khởi sắc, dù chưa đột phá nhưng mạnh và tốt hơn năm ngoái rất nhiều.
NH cùng DN đã ngồi lại được nói chuyện với nhau, dần gỡ bỏ những mắc mứu giữa hai bên với nhiều gói tín dụng phục vụ DN, đặc biệt nông nghiệp nông thôn
Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ VN
Cũng đã bước vào “vùng sáng”, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty xây dựng Lê Thành, cho hay ông đã bán hết block C chung cư Lê Thành Tân Tạo, người mua nhận nhà vô ở ngay.
Đây là những căn hộ Lê Thành cho thuê 49 năm, giá 350 - 400 triệu đồng, thanh toán 132 triệu, còn lại trả góp hằng tháng. Đầu năm 2016, ông sẽ tiếp tục mở bán block mới. “Tháng vừa rồi tôi bán khoảng 92 căn. Dự án nào tôi cũng vay ngân hàng (NH), lãi suất vay 11% tôi thấy làm ăn có lãi rồi”, ông nói.
Theo ông Trang Sĩ Đức - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Bích Chi, từ tháng 1 - 8.2015, thị trường xuất khẩu hồi phục, công ty đạt mức tăng trưởng 10%. Năm nay, nhờ Bích Chi “chiến đấu” đưa hàng vào siêu thị nên tiêu thụ thị trường nội địa cao hơn 5 - 7% so với năm ngoái. “Siêu thị thường yêu cầu khuyến mãi, vốn lại gối đầu 30 - 40 ngày, không xoay xở kịp là kẹt vốn dữ lắm”. Nhưng ông không lo lắng nhiều về vốn, bởi không gặp trở ngại khi vay vốn NH. Bích Chi thường vay kỳ hạn 6 tháng bằng USD, lãi suất 2%, thế chấp bằng dòng tiền xuất khẩu hàng hóa. “Thủ tục vay vẫn phải đúng chuẩn, nhưng NH quyết định cho vay nhanh hơn rất nhiều”, ông cho biết.
Vay vốn không còn khó
Ở lĩnh vực bán lẻ, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food - phụ trách thị trường nội địa cũng thông báo tình hình khả quan. Từ đầu năm đến nay, thị trường nội địa tăng trưởng 15%, thị trường xuất khẩu ổn định. Tháng 8 vừa qua, Sài Gòn Food thành lập công ty con chuyên phân phối hàng nội địa, bắt tay vào chiến lược phát triển kênh phân phối truyền thống. Chỉ trong vòng một tháng Sài Gòn Food đã có gần 2.000 điểm bán ở chợ và các cửa hàng bên cạnh kênh phân phối hiện đại. Một phần nguồn vốn cho công ty hoạt động sẽ được vay NH. “Vay vốn không còn là nỗi khổ của DN nữa, hiện NH kêu gọi, mời chào cho vay rất tốt. Sài Gòn Food có lợi thế nguồn ngoại tệ từ xuất khẩu nên vay USD với lãi suất rất thấp”, bà cho biết.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nền kinh tế đang trên đà hồi phục, mà trong đó tín dụng như huyết mạch lưu thông trong cơ thể đã “đả thông” cho DN. Từ tháng 1 - 8, tăng trưởng tín dụng đạt 10,23% so với cuối năm 2014 là đỉnh cao nhất của tăng trưởng trong vòng 3 năm qua, gấp đôi so với 4,33% cùng kỳ năm ngoái. Với mức tăng trưởng vượt mong đợi này, chỉ trong 8 tháng hệ thống NH đã cho vay ra nền kinh tế gần 400.000 tỷ đồng, vượt xa 132.500 tỷ đồng vốn đầu tư từ ngân sách cả nước.
Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ VN, đánh giá hoạt động của DN trong nước vẫn còn khó khăn, đặc biệt là DN vừa và nhỏ, do khả năng cạnh tranh thấp. Nhưng điều quan trọng là NH cùng DN đã ngồi lại được nói chuyện với nhau, dần gỡ bỏ những mắc mứu giữa hai bên với nhiều gói tín dụng phục vụ DN, đặc biệt nông nghiệp nông thôn. Theo TS Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn tài chính - DN (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), tiền “chạy” thông suốt đổ vào nền kinh tế, chảy vào “cơ thể” đã khiến DN “bật dậy” trong 9 tháng qua.
80% vốn vào sản xuất kinh doanh
  
Khó giảm thêm lãi suất cho vay dài hạn
Theo TS Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư, mặc dù chỉ số lạm phát đang rất thấp so với nhiều năm qua, nhưng lãi suất ngắn hạn còn phải “nhìn vào” tỷ giá và lãi suất USD. Từ đầu năm đến nay, NHNN và các NH thương mại đã nỗ lực mới giữ được mức lãi suất như hiện nay. Lãi suất cho vay dài hạn cũng khó có cửa giảm thêm. Bởi lãi suất giảm sẽ khiến phát hành trái phiếu chính phủ kém hấp dẫn. Kế hoạch huy động trái phiếu chính phủ trong năm nay đạt 250.000 tỷ đồng, nhưng đến nay tỷ lệ này mới được 50%.

ACB là một trong những NH đã “xài” gần hết hạn mức tín dụng năm nay và đã nộp đơn chờ NHNN xét duyệt cấp thêm hạn mức. Phó tổng giám đốc ACB Nguyễn Thanh Toại cho hay tín dụng ở ACB tăng trưởng mạnh tập trung vào khách hàng cá nhân và DN vừa và nhỏ. Nhu cầu vay tăng mạnh và đều ở các vùng trên cả nước. Cho vay tăng mạnh lý do lớn là do lãi suất đã giảm khá nhiều.
Theo đó, lãi vay đã giảm còn 7 - 7,5%/năm; biên sinh lời chỉ còn 1 - 1,5%, mức hẹp nhất từ trước đến nay. Lãi suất cho vay đang trong thời kỳ rẻ nhất. Các NH cho vay nhiều đến mức có thời điểm hồ sơ dồn lại vì hết room (tỷ lệ được cho vay), phải chờ nợ trả vào “hở” room ra mới tiếp tục cho vay. NH Nhà nước đang cân nhắc nới tín dụng tăng trưởng từ 13 - 15% lên 17% cho thấy, tiền sẽ còn chảy mạnh nữa từ nay đến cuối năm.
Một điều đáng mừng là dòng tiền chảy chủ yếu vào sản xuất. Khảo sát qua báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm một số NH TMCP: VietinBank, Vietcombank, Sacombank, Techcombank và NamA Bank, dư nợ tín dụng trung và dài hạn tăng mạnh hơn so với dư nợ ngắn hạn, thậm chí con số tuyệt đối dư nợ ngắn hạn không tăng ở một số NH. Theo TS Lê Đạt Chí, DN chỉ dám vay khi tìm được đầu ra hay mở rộng sản xuất. Vì vậy, dư nợ trung dài hạn tăng áp đảo phần nào cho thấy tín dụng đi vào nền kinh tế thực chất hơn.
Tiền đang chảy mạnh vào lĩnh vực bất động sản, vào các dự án “tiền tươi thóc thật”. Trong tháng 8/2015, lượng giao dịch thành công trên thị trường tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó một phần đáng kể tiền mua nhà là từ đi vay.
Tính đến ngày 20/8, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 60.300 tỷ đồng, giảm gần 3.500 tỷ đồng so với tháng trước đó. Dư nợ tín dụng bất động sản đến nay khoảng 360.000 tỷ đồng, vượt cả mức 310.000 tỷ đồng tại thời điểm đỉnh cao nhất của thị trường bất động sản. Nhưng dù vậy, lượng tiền đổ vào sản xuất mạnh hơn.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP.HCM, cho biết tín dụng trên địa bàn tăng 7% so với đầu năm, tăng 14,3% so cùng kỳ, trong đó 80% chảy vào sản xuất - kinh doanh. Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), dư nợ tín dụng tính đến cuối tháng 8, dòng vốn chảy mạnh vào nông nghiệp - nông thôn, xuất khẩu, công nghệ, công nghiệp hỗ trợ. Riêng DN vừa và nhỏ đạt hơn 976.000 tỷ đồng, tăng 4% so với cuối năm 2014.

Theo Báo Thanh Niên
Theo

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - P.Thanh Xuân Trung - Q. Thanh Xuân - TP.Hà Nội

ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Email: [email protected]

Website: vacod.vn

Các đơn vị trực thuộc

Văn phòng Vacod miền trung - Tp Đà Nẵng

Địa chỉ: Số 278/4 Nguyễn Văn Linh - Thành phố Đà Nẵng
ĐT: 0236.3652692 - Fax: 0236.3653208

Văn phòng Vacod miền nam - Tp Hồ Chí Minh

Địa chỉ: Số 6A Phạm Đình Toái, Phường 6, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
ĐT: 0983358188

Công ty TNHH MTV Vacod

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Viện nghiên cứu phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Cơ quan ngôn luận: Tạp chí Thương Gia

Địa chỉ: Số 14, Khu 249A Thụy Khuê, Quận Tây Hồ, Hà Nội
ĐT: 0879 504 666 - Email: [email protected]
Website: https://thuonggiaonline.vn/