Bất động sản được dự báo có thể đi lên. Ảnh: TL
Theo TS. Trần Kim Chung, trong năm 2015 cácchỉ tiêu kinh tế vĩ mô sẽ không có chuyển biến lớn. Các chỉ tiêu về tăng trưởng, lạm phát, đầu tư công, ODA, bội chi ngân sách không có đột biến. Tăng trưởng kinh tế năm 2015 ước đạt 6,13%, tiếp tục đà phục hồi so với giai đoạn trước đó.
Việt Nam tiếp tục xuất siêu khoảng 2,53 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng khá, trên 10%.
Tỷ trọng đầu tư toàn xã hội/GDP được duy trì ở mức 30%, đạt mục tiêu đề ra. Lạm phát ổn định ở mức một con số, khoảng 6%.
Hai là có thể có xung lực mới cho nền kinh tế do hội nhập. Nguyên nhân được nêu ra do cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) dự kiến thành lập vào năm 2015 với mục tiêu thiết lập “một thị trường và cơ sở sản xuất duy nhất” đưa Việt Nam hội nhập toàn diện với khu vực.
RCEP dự kiến được ký kết vào năm 2015 góp phần giúp Việt Nam hội nhập sâu trong lĩnh vực thương mại với các quốc gia thành viên.
TPP dự kiến kết thúc đàm phán và ký kết vào năm 2015 với các cam kết sâu rộng và bao quát trên nhiều lĩnh vực giúp Việt Nam hội nhập toàn diện với các quốc gia ở nhiều mức độ phát triển khác nhau và nhiều khu vực khác nhau.
TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương. Ảnh: An Nguyên
TS. Trần Kim Chung dẫn số liệu từ nghiên cứu trước đó cho thấy, việc tham gia ký kết Hiệp định thương mại giúp tăng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang quốc gia đối tác thêm 1,176%, xuất khẩu sang các quốc gia ASEAN tăng thêm 3,187%.
Bên cạnh đó, cùng với tham gia TPP, theo ước tính đến năm 2025 Việt Nam sẽ được lợi khoảng 36 tỷ USD tương đương 15,5% GDP.
Đặc biệt, TS. Trần Kim Chung cũng nhấn mạnh, thị trường bất động sản có thể đi lên.
Đồng thời dự báo, thị trường bất động sản năm 2015 và các năm tiếp theo chỉ những dự án đã hoàn thành mới có giao dịch hoặc một số ít doanh nghiệp chủ đạo trong thị trường tiếp tục triển khai các dự án tốt.
Một số ít các dự án tái phục hồi hoạt động các giao dịch trầm lắng nếu có chỉ trên các dự án hoàn thành.
Một số nhà đầu tư phát triển mới với năng lực tốt xuất hiện. Đây là kịch bản dễ xảy ra nhất, trong bối cảnh kinh tế trong nước, quốc tế không có biến động lớn và chính sách đối với thị trường bất động sản không có đột phá rõ rệt.
Cuối cùng, theo TS. Trần Kim Chung, hoạt động mua bán sáp nhập M&A có thể trở thành xu hướng trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp trong thời gian tới.
Ông Chung cho biết, đây là nhận định được đưa ra tại Diễn đàn M&A Việt Nam năm 2014. Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước diễn ra mạnh mẽ, sự lớn mạnh của khối tư nhân cũng như sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đối với các cơ hội đầu tư và M&A tại Việt Nam trong thời gian tới dự kiến hoạt động M&A sẽ diễn ra mạnh mẽ.
“Cũng theo đánh giá tại Diễn đàn các lĩnh vực như ngân hàng - tài chính, bất động sản, thực phẩm và hàng tiêu dùng nhanh, công nghệ và thương mại điện tử được dự báo sẽ tiếp tục tạp nên cơn sốt về M&A Việt Nam”, ông Chung khẳng định.
NGUYỄN THẢO