Tổng cục Thống kê vừa công bố số liệu về tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm.
Theo đó, trong tháng 4, cả nước có 9.186 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 51,3 nghìn tỷ đồng, tăng 73,9% về số doanh nghiệp và tăng 52,2% về số vốn đăng ký so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 24,6%; số vốn đăng ký tăng 12,9%.
Số doanh nghiệp mới thành lập trong 4 tháng đầu năm tăng cao
Tuy nhiên, số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng chỉ đạt 5,6 tỷ đồng, giảm 12,5% so với mức bình quân tháng 3. Nhưng tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng là 162,8 nghìn người, tăng 139,3% so với tháng trước. “Chủ yếu do nhu cầu sản xuất, kinh doanh tăng trở lại sau kỳ nghỉ tết Nguyên Đán”, Tổng cục Thống kê lý giải.
Tính chung 4 tháng đầu năm, cả nước có gần 30 ngàn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 162,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,7% về số doanh nghiệp và tăng 13,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2014.
Bên cạnh đó, có 6.834 lượt doanh nghiệp tăng vốn với tổng số vốn đăng ký tăng thêm là 223 nghìn tỷ đồng. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 5,7 tỷ đồng, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Số lao động dự kiến được tạo việc làm của các doanh nghiệp thành lập mới 4 tháng đầu năm là 427,9 nghìn người, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2014.
Tuy nhiên, trong tháng cũng có 3.670 doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động, tăng 58,5% so với tháng trước và 684 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động, tăng 34,1%.
Tính chung số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 4 tháng đầu năm là 3.249 doanh nghiệp, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2014. “Trong đó phần lớn là những doanh nghiệp quy mô nhỏ có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng”, Tổng cục Thống kê cho biết.
Số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong 4 tháng đầu năm là 19.035 DN, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm 6.726 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn và 12.309 DN ngừng hoạt động chờ đóng mã số DN hoặc không đăng ký.
Mặc dù vậy, điểm đáng mừng là trong tháng, cả nước có 2.726 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động; nâng tổng số doanhnghiệp ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động trong 4 tháng đầu năm nay lên con số 6.316 doanh nghiệp. “Điều này cho thấy tín hiệu tốt của nền kinh tế, tạo thêm cơ hội đầu tư, kinh doanh cho những doanh nghiệp đang gặp khó khăn...
Nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh
Để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD), nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016, Nghị quyết 19/2015/NQ-CP của Chính phủ đã đặt mục tiêu năm 2015, các chỉ tiêu về MTKD của nước ta đạt và vượt mức trung bình của các nước ASEAN-6.
Rút ngắn thời gian nộp thuế còn không quá 121,5 giờ/năm, thời gian nộp bảo hiểm xã hội không quá 49,5 giờ/năm; tỷ lệ DN kê khai thuế điện tử đạt trên 95%; tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt tối thiểu 90%; xây dựng và công khai cơ sở dữ liệu về hoàn thuế, bảo đảm ít nhất 90% hoàn thuế theo đúng thời gian quy định.
Tiếp tục giảm mạnh thời gian thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu ngang bằng với các nước ASEAN-6, bảo đảm Hải quan Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn hải quan hiện đại; thời gian hàng hóa xuất nhập khẩu giao lưu qua biên giới đạt mức tối đa 13 ngày đối với hàng hóa xuất khẩu, 14 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cho rằng, so với năm ngoái, năm 2015, chúng ta đã thực hiện quyết liệt hơn ở chỗ, không chỉ Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sát sao mà các bộ trưởng cũng rất chủ động trong việc này. Trước hết là họ đã nhận thức được tầm quan trọng của MTKD, thứ hai là họ chủ động triển khai chỉ đạo các bộ phận, các đơn vị thực hiện đúng những nhiệm vụ và giải pháp đặt ra.
Tuy nhiên, với tiến trình cải cách như hiện nay, một số ý kiến cho rằng, kỳ vọng năm 2015, MTKD Việt Nam có sánh kịp các nước khu vực là rất khó.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Đình Cung cho biết, đánh giá các chỉ tiêu như: khởi sự kinh doanh thì chúng ta hơn Asean 4, chỉ tiêu bảo vệ nhà đầu tư chúng ta hơn Asean 6 một chút, nhưng thấp hơn Asean 4 (Asean 4 được 6,5 điểm thì chúng ta được 6,2 điểm). Nhiều chỉ tiêu chúng ta đã bằng Asean 6. Tuy nhiên, những chỉ tiêu như thông quan qua biên giới là chỉ tiêu rất quan trọng thì chúng ta kém họ. Cho nên nhìn tổng thể chúng ta có thể đạt được Asean 6, nhưng nhìn vào chỉ tiêu cụ thể quan trọng chúng ta đang kém họ.
Một số ý kiến lại tỏ ra lạc quan hơn khi cho rằng, trong năm qua, Việt Nam đã có sự thay đổi rất quan trọng về các quy định của pháp luật liên quan lĩnh vực kinh doanh như Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Điều này sẽ góp phần rất quan trọng cải thiện MTKD cho Việt Nam.
Thế nhưng nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại khi chúng ta lại tiếp tục điệp khúc luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư khiến cho các quy định của luật khó đi vào cuộc sống. Và điều này cản trở quá trình cải cách của Việt Nam.
Ông Nguyễn Đình Cung thẳng thắn thừa nhận những lo ngại này là có bằng chứng lịch sử khi cho rằng thông tư mới là văn bản có hiệu lực nhất trong triển khai pháp luật ở nước ta. Tuy nhiên, có 2 Luật Đầu tư và Doanh nghiệp sửa đổi hiện nay phần lớn áp dụng trực tiếp. Nghị định chỉ hướng dẫn những điều luật ghi rằng Chính phủ hướng dẫn chi tiết quy định này.
Theo ông Cung đã đến lúc chúng ta phải thay đổi thói quen trong việc thực thi luật pháp. Người dân, doanh nghiệp cứ áp dụng luật một cách trực tiếp, chỉ áp dụng nghị định ở những điều khoản nào mà trong đó luật giao trực tiếp Chính phủ hướng dẫn mà thôi. Và tương tự như vậy với thông tư, họ có quyền áp dụng trực tiếp thông tư khi nghị định giao trực tiếp các bộ hướng dẫn.
Thu Hà