15 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”: Đưa thị trường trong nước trở thành “tuyến phòng ngự”, “bệ đỡ” vững chắc cho nền kinh tế

15 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”: Đưa thị trường trong nước trở thành “tuyến phòng ngự”, “bệ đỡ” vững chắc cho nền kinh tế Đọc bài

Sáng ngày 12/11/2024, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Chương trình Gala 15 năm ngành Công Thương thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tô Thị Bích Châu tham dự sự kiện và có những bài phát biểu quan trọng.

Tại Chương trình, các đại biểu đã đánh giá về những thành tựu đạt được của ngành Công Thương sau 15 năm thực hiện Cuộc vận động; chia sẻ bài học kinh nghiệm, đồng thời đề xuất những cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh Cuộc vận động, đưa thị trường trong nước trở thành “tuyến phòng ngự”, “bệ đỡ” vững chắc và là một trong những động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế.

Vun đắp nguồn nội lực

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai từ năm 2009 theo thông báo Kết luận số 264-TB/TW của Bộ Chính trị trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới tác động mạnh đến nền kinh tế nước ta. Thời điểm đó, một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam có tâm lý sính hàng ngoại; các ngành sản xuất gặp rất nhiều khó khăn. Mục tiêu của Cuộc vận động là “phát huy lòng yêu nước, tính tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc để xây dựng văn hóa người tiêu dùng, đồng thời đẩy mạnh sản xuất kinh tế và đưa hàng hóa nước ta xuất khẩu ra nước ngoài.

Bám sát chỉ đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công Thương đã phối hợp với các ban, bộ, ngành và các địa phương thực hiện đồng bộ Cuộc vận động. Trong đó tập trung vào 5 nội dung trọng tâm, (i) Tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, Chính phủ thực hiện Cuộc vận động. (ii) Rà soát các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. (ii) Tôn vinh doanh nghiệp tiêu biểu, bình chọn sản phẩm chất lượng. (iv) Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường. (v) Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Bộ Công Thương đã chủ động tham mưu, đưa ra những quyết sách đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động. Những đề án, chương trình, chiến lược như: Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước”; Đề án “Thúc đẩy Doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài”; Chương trình; Xúc tiến thương mại quốc gia; Khuyến công quốc gia v.v… Đặc biệt, Bộ Công Thương xây dựng nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp nền tảng như năng lượng ,chế biến, chế tạo, hoá chất, vật liệu mới nhằm xây dựng nền công nghiệp tự chủ, hiện đại. Hỗ trợ những tập đoàn kinh tế đủ mạnh đóng vai trò dẫn dắt các ngành công nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ để hình thành một hệ sinh thái công nghiệp hoàn chỉnh trong tương lai.

Trong môi trường kinh doanh thuận lợi đó, nhiều doanh nghiệp đã chủ động đầu tư phát triển sản phẩm thay thế nhập khẩu, hình thành nét văn hóa cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm. Các địa phương tổ chức nhiều hoạt động kết nối tiêu thụ hàng Việt, gắn cuộc vận động với hoạt động bình ổn thị trường. Hệ thống phân phối hiện đại ưu tiên phân phối hàng Việt Nam. Đặc biệt trong những năm gần đây việc hỗ trợ tiêu thụ hàng Việt trên các sàn giao dịch thương mại điện tử được triển khai bài bản quy mô.Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng như thông tin tuyên truyền ngày càng hiệu quả.

Thành tựu của ý Đảng lòng Dân

Từ hoàn cảnh hết sức khó khăn, Cuộc vận động đã góp phần hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế theo hướng kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ 2009 đến nay liên tục đạt mức tăng trưởng trên dưới 10% so với năm trước; Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ mức lạm phát phi mã 19,8% năm 2008 đã giảm xuống dưới 5% từ năm 2014 đến nay. Tỷ lệ nhập siêu giảm , tiến tới xuất siêu liên tục từ năm 2016; hàng Việt tại các các kênh phân phối chiếm tỷ lệ khá cao, trên 80% tại các siêu thị; từ 60% trở lên tại kênh bán lẻ truyền thống. Từng bước hình thành những tập đoàn kinh tế đủ mạnh, dẫn dắt các phân ngành công nghiệp.

Nhiều chuỗi cung ứng trong nước được hình thành: Chuỗi cung ứng điện năng, khí LNG, điện tử, thép, dệt may - thời trang, da giày, đồ gỗ… Việt Nam cũng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua các doanh nghiệp FDI. Theo điều tra của VCCI, năm 2023 có 63,3% doanh nghiệp FDI sử dụng hàng hóa và dịch vụ đầu vào của các doanh nghiệp Việt Nam, cao hơn rất nhiều so với 12,4% của năm 2010. Tỷ trọng trong GDP của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng nhanh và bền vững qua các năm. Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia có nền công nghiệp có năng lực cạnh tranh toàn cầu ở mức khá cao. Đứng vị trí thứ 44 trên thế giới năm 2018 và đứng thứ 30 vào năm 2021.

Với ngành Công Thương, Cuộc vận động không chỉ góp phần giáo dục ý thức tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc của người Việt Nam trong sản xuất và tiêu dùng; không chỉ nâng đỡ nhiều mô hình, điển hình tốt trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, đổi mới quản lý, khẳng định vị trí của hàng hóa Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước, mà quan trọng hơn, còn từng bước hình thành bộ máy, cách thức tổ chức, huy động nguồn lực, đưa thị trường trong nước trở thành một trong những động lực trọng yếu tăng trưởng, trở thành tuyến phòng ngự vững chắc của nền kinh tế, góp phần bảo đảm an sinh xã hội khi thị trường thế giới có biến động, nguồn cung bị gián đoạn.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Sau 15 năm thực hiện, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các địa phương; sự chủ động và nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp, Cuộc vận động đã đạt nhiều kết quả tích cực, thu hút được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần khai thác có hiệu quả thị trường nội địa, tăng cường năng lực nội sinh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Bộ trưởng nhận định: "Cuộc vận động đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần khai thác có hiệu quả thị trường nội địa, tăng cường năng lực nội sinh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Quảng cáo

Thông qua Cuộc vận động đã giúp cho người tiêu dùng ở cả trong và ngoài nước nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Việt và chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam; Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của thị trường trong nước, từ đó chú trọng nâng cao chất lượng, cải tiến công nghệ, dây chuyền sản xuất, phương thức kinh doanh và xây dựng, phát triển, bảo vệ thương hiệu. Cách tiếp cận thị trường của doanh nghiệp cũng bài bản, hiệu quả hơn, vì vậy người tiêu dùng trong và ngoài nước ngày càng đánh giá cao chất lượng, uy tín thương hiệu hàng Việt Nam".

Đánh giá cao những thành tựu đạt được của ngành Công Thương sau 15 năm thực hiện Cuộc vận động, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tô Thị Bích Châu nhận định: "15 năm qua, Bộ Công Thương đã rất quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo với nhiều đổi mới trong quá trình triển khai thực hiện; phối hợp chặt chẽ với MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền đồng bộ, sâu rộng Cuộc vận động trong các đơn vị, địa phương. Đặc biệt, các tập đoàn, tổng công ty trong Ngành và đơn vị trực thuộc Bộ đã tích cực hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, đã xây dựng được mạng lưới rộng khắp trên cả nước và tiếp tục giữ vững vai trò nòng cốt đến ngày hôm nay".

Để kết quả thực hiện Cuộc vận động được toàn diện hơn nữa

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đánh giá cao, biểu dương và nhiệt liệt chúc mừng những kết quả quan trọng ngành Công Thương đã đạt được trong triển khai Cuộc vận động, đóng góp vào thành tựu phát triển chung của đất nước.

“Ngành Công Thương đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo, tổ chức triển khai nghiêm túc, bài bản Cuộc vận động và đạt được những kết quả tích cực”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Trong giai đoạn phát triển mới với xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, để kết quả thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ở tất cả các cấp, các ngành nói chung và ngành Công Thương nói riêng được toàn diện hơn nữa, ngày càng nâng cao chất lượng, mẫu mã và giá cả để hàng Việt Nam thực sự hấp dẫn người tiêu dùng trong và ngoài nước, Phó Thủ tướng đề nghị tiếp tục tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng về Cuộc vận động, nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của người Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh, quảng bá và sử dụng hàng Việt Nam; tiếp tục tạo sự chuyển biến thực sự về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân trong thực hiện Cuộc vận động.

Đối với Bộ Công Thương, Phó Thủ tướng đề nghị:

(i) Tiếp tục củng cố tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo Chương trình hành động hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phát huy hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng trong hưởng ứng Cuộc vận động.

(ii) Nghiên cứu, đúc rút từ thực tiễn những bài học kinh nghiệm để có những đột phá mạnh mẽ hơn nữa trong việc triển khai, thực hiện Cuộc vận động, nâng cao hơn nữa chất lượng, uy tín của hàng Việt Nam trên cả thị trường trong nước và nước ngoài, nhất là các thị trường Việt Nam đã ký kết Hiệp định Thương mại Tự do.

(iii) Đẩy mạnh các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, kết nối cung cầu; nâng cao hiệu quả quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả... Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử và các kênh thương mại hiện đại, kết hợp hài hoà với hoạt động thương mại, phân phối truyền thống.

(3) Đề nghị các doanh nghiệp: Tiếp tục nghiên cứu, chủ động đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ bảo đảm chất lượng tốt nhất và giá cả phù hợp nhất. Chú trọng xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh quảng bá; phát triển kênh phân phối để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Cùng với những phân tích, đúc kết, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo, các chuyên gia, câu chuyện từ thực tiễn của các doanh nghiệp, địa phương điển hình được chia sẻ tại Gala trong 3 phiên thảo luận: Tự hào hàng Việt Nam - Hành trình khát vọng; Sứ mệnh của hàng Việt trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; Hàng Việt - Câu chuyện sức nước ngàn năm, thêm một lần nữa thổi bùng lên niềm tự hào, khát vọng phát triển sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt Nam. Hơn 500 đại biểu tham dự Chương trình, đại diện cho các đơn vị trong ngành Công Thương, cùng một quyết tâm: phát huy cao nhất tinh thần "tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc" như chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, để đưa hàng Việt vào "Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Gala 15 năm ngành Công Thương thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động đã thành công tốt đẹp. Tạp chí Công Thương, Vụ Thị trường trong nước, Văn phòng Bộ Công Thương, Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội, Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn, Công ty Cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, cùng nhiều đơn vị trong ngành Công Thương đã vinh dự được nhận Kỷ niệm chương của Chương trình.


Tác giả: Nhóm phóng viên
Theo https://moit.gov.vn/ Copy

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - P.Thanh Xuân Trung - Q. Thanh Xuân - TP.Hà Nội

ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Email: [email protected]

Website: vacod.vn

Các đơn vị trực thuộc

Văn phòng Vacod miền trung - Tp Đà Nẵng

Địa chỉ: Số 278/4 Nguyễn Văn Linh - Thành phố Đà Nẵng
ĐT: 0236.3652692 - Fax: 0236.3653208

Văn phòng Vacod miền nam - Tp Hồ Chí Minh

Địa chỉ: Số 6A Phạm Đình Toái, Phường 6, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
ĐT: 0983358188

Công ty TNHH MTV Vacod

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Viện nghiên cứu phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Cơ quan ngôn luận: Tạp chí Thương Gia

Địa chỉ: Số 14, Khu 249A Thụy Khuê, Quận Tây Hồ, Hà Nội
ĐT: 0879 504 666 - Email: [email protected]
Website: https://thuonggiaonline.vn/