Thế nên không mấy ngạc nhiên khi ngành du lịch thế giới trong những năm gần đây phát triển cùng sự phục hồi của nền kinh tế cũng như làn sóng dịch chuyển của những người trẻ tuổi.
Theo Hội đồng du lịch và lữ hành thế giới (The World Travel & Tourism Council),tổng mức đóng góp của ngành này cho nền kinh tế toàn cầu đạt khoảng 7,6 nghìn tỷ USD, chiếm 9,5% GDP năm 2014. Mặc dù không có tỷ trọng lớn nhưng đây là ngành tăng trưởng nhanh hơn cả những ngành quan trọng khác như dịch vụ kinh doanh, tài chính, vận tải và sản xuất.
Du lịch và lữ hành tạo ra gần 277 triệu việc làm, nghĩa là cứ 11 người, có 1 người làm ngành du lịch.
Ngành du lịch Việt Nam năm 2014 đón 7,87 triệu lượt khách du lịch tăng 4% so với năm 2013. Mức tăng này vẫn thấp hơn so với mức tăng 10,6% của năm 2013 (so với 2012).
Sau đây là một vài con số nói lên bức tranh ngành công nghiệp không khói của Việt Nam.
4,6% GDP
Đây là con số mức đóng góp trực tiếp của ngành du lịch và lữ hành Việt Nam vào GDP năm 2014, tương đương 182 nghìn tỷ đồng. Dự đoán mức đóng góp này lên 7,9% năm 2015 và đạt 370 nghìn tỷ đồng (4,8% tổng GDP) vào năm 2025.
(Nguồn: Hội đồng du lịch và lữ hành thế giới)
367,2 nghìn tỷ đồng
Là con số tổng mức đóng góp vào GDP của ngành du lịch, tương đương 9,3% tổng GDP.
Tổng mức đóng góp là khái niệm rộng hơn đóng góp trực tiếp vào nền kinh tế gồm cả chi đầu tư ngành du lịch, lữ hành, chi đầu tư của chính phủ hỗ trợ ngành bằng nhiều cách khác như hàng không, vận tải, dịch vụ bảo vệ,… và mua bán hàng hóa dịch vụ nội địa bởi những giao dịch trực tiếp từ ngành du lịch như dịch vụ thực phẩm, vệ sinh mua bởi những khách sạn, xăng dầu hàng không,….
(Nguồn: Hội đồng du lịch và lữ hành thế giới)
1,96 triệu lao động
Là lượng công việc được tạo ra trực tiếp bởi ngành du lịch Việt Nam trong năm 2014, chiếm 3,7% tổng số việc làm. Dự tính đạt 2,4 triệu lao động, tương đương 4% vào năm 2025.
(Nguồn: Hội đồng du lịch và lữ hành thế giới)
7,87 triệu
Là lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2014. Trong đó 60,5% là khách đến vì mục đích nghỉ dưỡng, 16,8% đến vì mục đích công việc, 17,1% đến vì mục đích thăm thân nhân và còn lại là các mục đích khác.
(Nguồn: Tổng cục thống kê)
1,95 triệu khách
Là số lượng khách du lịch Trung Quốc - thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam năm 2014. Lượng du khách này chiếm tới 24,7% tổng khách nước ngoài tới Việt Nam trong năm 2014.
Năm 2013, khách Trung Quốc đến Việt Nam cũng đạt tới 25,2%. Mặc dù chiếm tỷ lệ lớn nhất nhưng đây lại là nhóm chi tiêu thấp nhất khi đến du lịch Việt Nam.
(Nguồn: Tổng cục thống kê)
Trung Quốc là thị trường lớn nhất của Việt Nam. Nguồn: Tổng cục thống kê.
1.114 USD
Đây là mức chi tiêu bình quân đối với mỗi khách du lịch nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú trong năm 2014. Đối với nhóm khách tham quan trong ngày, mức chi tiêu là 125 USD.
Theo đó trong năm 2014, tổng chi tiêu của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 8,39 tỷ USD. Trong đó chủ yếu là chi tiêu vào thuê phòng lưu trú, ăn uống, mua hàng hóa đồ lưu niệm, chi phí tham quan, hướng dẫn. Chi phí vui chơi giải trí chỉ chiếm 3,56% tổng chi phí bình quân một lượt khách có nghỉ qua đêm.
(Nguồn: Tổng cục thống kê)
94,09%
Là mức độ hài lòng của du khách sau khi đã trải nghiệm du lịch tại Việt Nam khi được hỏi đánh giá ở mức tốt và rất tốt. Ngoài ra, lượng khách hài lòng ở mức trung bình chiếm khoảng 5,69%. 0,22% nhận xét du lịch Việt Nam ở mức kém và rất kém.
(Nguồn: Tổng cục du lịch)
6%
Mặc dù được đánh giá hài lòng cao nhưng theo khảo sát, số lượng khách nước ngoài quay lại Việt Nam chỉ chiếm 6%. Việc đầu tư cũng như chiến lược phát triển lâu dài, nâng cao tỷ lệ quay lại của du khách nước ngoài đang là câu hỏi lớn cho ngành du lịch.
(Nguồn: Tổng cục du lịch)
64 và 95
Là vị trí xếp hạng của Việt Nam trong mức độ đóng góp của ngành du lịch và lữ hành trực tiếp vào GDP và đóng góp tổng vào GDP. Trong đó ngành du lịch Việt Nam chưa đóng góp nhiều vào GDP như các nước Campuchia, Thái Lan, Malaysia hay Lào.
(Nguồn: Hội đồng du lịch và lữ hành quốc tế)
Nguồn: Hội đồng du lịch và lữ hành thế giới.
Theo Trí Thức Trẻ