‘Siêu' dự án đường thủy xuyên Á: Mới là ý tưởng 5/6/2016 9:19:54 AM
Những ngày vừa qua, có rất nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến Dự án Giao thông thủy xuyên Á. Trong khi các chuyên gia thủy lợi bày tỏ sự lo ngại về những tác động tiêu cực của Dự án đến lòng sông Hồng thì đại diện Bộ KH&ĐT cho biết, dự án mới chỉ dừng ở mức ý tưởng.

Theo báo cáo của nhà đầu tư là Công ty TNHH Xuân Thiện, Ninh Bình, Dự án Giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng đoạn Việt Trì-Lào Cai kết hợp với thủy điện khi hoàn thành sẽ tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh miền núi phía bắc, góp phần giảm áp lực đường bộ, đường sắt trên tuyến Hà Nội-Lào Cai.

Dự án này sẽ tạo ra tuyến vận tải đường thủy thông suốt quanh năm từ Lào Cai-Hải Phòng cho tàu có trọng tải từ 400-600 tấn.

Dự án cũng sẽ xây dựng 7 cảng dọc tuyến thuộc hệ thống cảng theo quy hoạch của ngành đường thủy nội địa bao gồm: Cảng Phố Mới, cảng Apatit, cảng Quý Xa (Lào Cai), cảng Văn Phú (Yên Bái), cảng Ngọc Tháp, cảng Cổ Tiết (Phú Thọ), cảng phía Bắc (Hà Nội), góp phần đẩy mạnh công nghiệp khoáng sản, hóa chất, luyện kim, vật liệu xây dựng...

Dự án này sẽ thực hiện xây dựng 6 đập dâng nước và âu tàu, nạo vét 288 km luồng sông Hồng đoạn từ Việt Trì lên Lào Cai đạt tiêu chuẩn sông cấp III; kết hợp xây dựng 6 nhà máy thủy điện nhỏ (cấp II), cung cấp tổng cộng 912 triệu kWh điện/năm.

Nhà đầu tư cho biết qua đánh giá sơ bộ, những tác động tiêu cực của Dự án đến môi trường là không lớn và có thể giảm thiểu.

Sẽ ra sao nếu động vào lòng sông Hồng?

Các chuyên gia thủy lợi đầu ngành của Việt Nam đều bày tỏ thái độ thận trọng đối với Dự án này, thậm chí kiến nghị không nên “động” vào sông Hồng.

GS.TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam bày tỏ: “Tôi cho rằng nếu động vào sông Hồng thì nhiều vấn đề quan trọng chưa chắc các nhà khoa học đã tính được. Hiện, lòng sông Hồng đã tụt xuống 1 m so với trước đây. Nếu chúng ta làm tiếp mấy cái đập nữa, lòng sông sẽ tụt xuống bao nhiêu? Khi lòng sông tụt xuống, hai bên bờ bị phá, cửa sông bị phá, nước biển xâm lấn vào thì cả vùng Đồng bằng sông Hồng như Thái Bình, Nam Định sẽ bị xâm nhập mặn tác động, hậu quả là khôn lường”.

Đặc biệt, theo GS.TS Vũ Trọng Hồng, không thể lường được dòng sông Hồng sẽ bị phá như thế nào ở hạ du nếu xây dựng 6 đập dâng như dự án của Công ty Xuân Thiện. Nếu làm đập ở thượng nguồn thì chắc chắn ở hạ nguồn, tức là từ Hà Nội trở xuống, sẽ bị phá hai bên bờ. Hà Nội sẽ đối mặt với nguy cơ bị dòng chảy khoét, dòng sông sẽ ăn sâu vào đất liền và việc phải di chuyển dân là khó tránh khỏi.

“Tôi cho rằng đừng đặt câu hỏi về cái lợi hôm nay mà phải đặt những câu hỏi về cái mất để tính cho cả trăm năm sau. Bài học đã có rồi, đó là khi Trung Quốc làm thủy điện ở thượng nguồn thì chúng ta đã khổ vì phụ thuộc nguồn nước rồi. Nếu bây giờ chính chúng ta lại làm thủy điện, chắc khó lường được các hậu quả xảy ra”, GS.TS Vũ Trọng Hồng bày tỏ.

Còn GS.TS Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam cho rằng, cần nghiên cứu thấu đáo về Dự án này vì đã có nhiều chuyên gia cho rằng, vị trí địa lý, địa hình của sông Hồng không phù hợp cho việc xây dựng đập, rất dễ gây ra ngập lụt.

“Nếu xây dựng các đập như thế chắc chắn sẽ gây ra ngập lụt trên diện rộng. Hơn nữa, lưu vực Đồng bằng sông Hồng chủ yếu do phù sa sông Hồng bồi đắp, tiếp tục làm đập sẽ làm mất phù sa của sông Hồng về hạ du. Hiện nước sông Hồng cũng đã trong xanh như nước hồ rồi, không còn đỏ nặng phù sa nữa”, GS.TS Phạm Hồng Giang chia sẻ.

Dự án mới chỉ dừng ở mức ý tưởng

Liên quan đến những ý kiến báo chí đưa ra gần đây, tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 4 diễn ra vào chiều 5/5, ông Nguyễn Xuân Tự, Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư (Bộ KH&ĐT) cho biết, Dự án này mới ở mức sơ khai, ý tưởng đề xuất. Bộ KH&ĐT nhận thức được tầm quan trọng và ảnh hưởng của Dự án đến môi trường nên đã tiến hành xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương liên quan và nhận được sự đồng thuận cao.

“Tuy nhiên, sự đồng thuận mới dừng ở mức báo cáo Chính phủ cho chủ đầu tư tiếp tục nghiên cứu Dự án. Nếu được chấp thuận, Dự án sẽ còn qua 2 bước nữa là các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt dự án, sau đó tổ chức nghiên cứu khả thi. Sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi thì chủ đầu tư mới được tiếp tục đầu tư.

Chúng ta rất ủng hộ các đề xuất sáng kiến của họ, nhưng không có nghĩa một khi đề xuất là anh được lựa chọn làm nhà đầu tư. Quá trình lựa chọn nhà đầu tư phải qua quy định của Luật Đấu thầu”, ông Nguyễn Xuân Tự khẳng định.

Mặt khác, ông Nguyễn Xuân Tự cũng thừa nhận, Dự án này chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến môi trường nhưng ảnh hưởng như thế nào trong quá trình nạo vét lòng sông, xây đập thủy điện… thì sẽ có báo cáo đánh giá chi tiết tác động môi trường ở các bước sau. 

"Cần tính rất kỹ vấn đề thủy văn, thủy lợi, vấn đề xói lở hai bờ sông ra sao, xây dựng những đập dâng nước ở vị trí nào, địa chất ra sao, vấn đề mua bán điện thế nào… tất cả những vấn đề đó còn bỏ ngỏ.  Tất cả những vấn đề như vậy hiện nay dự án mới đề xuất ý tưởng ban đầu", ông Nguyễn Xuân Tự nhấn mạnh.




Theo Phan Trang(Báo chính phủ)

Hiện tại chưa có phản hồi nào
Hiển thị 0 trong Hiện tại chưa có phản hồi nào phản hồi  
Clip hoạt động Vacod
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Thống kê truy cập
   Trực tuyến : 170
   Truy cập trong ngày : 860
   Tổng số truy cập : 27959492
Logo thương hiệu Việt