Tháo gỡ khó khăn về thuế, hải quan cho doanh nghiệp 10/30/2014 2:27:15 PM
Ngày 30/10/2014, VCCI phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị “Đối thoại giữa Bộ Tài chính và DN về chính sách và thủ tục hành chính thuế và hải quan” nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN trong hai lĩnh vực này.

Hội nghị đối thoại tiếp tục nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong các lĩnh vực thuế, hải quan

Có thể thấy, kể từ Hội nghị năm 2013 và chuẩn bị cho Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp DN hồi tháng 4/2014, nhiều vấn đề vướng mắc và kiến nghị của DN đã được Bộ Tài chính tiếp thu và giao Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, Vụ chính sách thuế… xem xét giải đáp và đề xuất giải pháp phù hợp với yêu cầu về luật và quy trình thủ tục sửa đổi các văn bản pháp luật hiện hành.

Tồn tại nhiều vướng mắc

Tuy nhiên, qua khảo sát và thu thập các ý kiến, thông tin của DN, bên cạnh những động thái được cho là quyết liệt của Bộ Tài chính nhằm gỡ vướng cho DN thời gian qua,  khảo sát của VCCI cho thấy vẫn còn có khá nhiều vướng mắc nhưng chưa được khắc phục triệt để và hiện tượng nhũng nhiễu vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt, gây ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của chính ngành thuế và hải quan đồng thời gây tâm lý ức chế và bất bình trong DN và cộng đồng.

Chẳng hạn trong lĩnh vực thuế, VCCI cho biết có 4 vấn đề được DN “kêu” nhiều nhất là: Thủ tục hoàn thuế, ưu đãi và miễn trừ thuế; Quy định mới trong văn bản pháp luật và tính đồng bộ với các văn bản pháp quy mang tính chuyên ngành khác; Vấn đề tiếp nhận và trả lời vướng mắc cho doanh nghiệp từ phía các đơn vị có liên quan của ngành thuế; Vấn đề hạch toán các khoản chi không rõ nhưng lại bị phạt về thuế

Tương tự, trong lĩnh vực Hải quan, mối quan hệ giữa hải quan và DN cũng đang tồn tại một số vấn đề bất cập. Đó là sự thiếu đồng bộ trong thông tin của ngành về quá trình hoàn thiện lệ phí tờ khai, nhiều DN đã thực hiện đóng lệ phí đầy đủ nhưng thông tin không hiện lên trên hệ thống nên doanh nghiệp vẫn bị coi là  nợ thuế, dẫn đến các hệ lụy tiếp theo là không được hoàn thuế.  Bên cạnh đó, giữa các cơ quan hải quan địa phương, kho bạc nhà nước và các ngân hàng thương mại chưa có sự phối hợp đồng bộ trong việc chuyển tiền, nhận tiền và cung cấp thông tin doanh nghiệp đã nộp thuế gây ảnh hưởng đến thời gian nhận hàng (vật tư thiết bị nhập khẩu), không kịp thời đáp ứng tiến độ sản xuất, kinh doanh

Đặc biệt, vấn đề áp dụng thông quan tự động được các DN khẳng định là chủ trương đúng, đảm bảo nhanh gọn và tiết kiệm cho DN. Tuy nhiên, qua phản ánh của các DN, hiện có quá nhiều vấn đề phát sinh từ chính hệ thống mới này cần được cơ quan hải quan nghiên cứu, giải đáp thỏa đáng và có thay đổi phù hợp đảm bảo tiếp cận với hải quan hiện đại và yêu cầu cải cách, giảm chi phí hồ sơ và thời gian cho DN…

Ngoài ra, một số vấn đề về địa diểm giải quyết thủ tục hải quan, quy định về thời gian thủ tục giải quyết các vấn đề từ thanh tra kiểm tra đến thời gian làm ngoài giờ thế nào là đúng quy định; Quy định về điểm kiểm hóa áp dụng cho các DN có trụ sở tại các địa phương khác nhau; Áp mã HS cho một số hàng hóa chuyên ngành cũng được các DN cho là đang gây khó cho hoạt động của DN.

Tháo gỡ thế nào?

Phần lớn các kiến nghị của DN trong lĩnh vực thuế và hải quan đều xoay quanh vấn đề cải cách thủ tục hành chính. Chẳng hạn, các DN cho rằng cần cải tiến quy trình, thủ tục nghiệp vụ Hải quan, nhất là thủ tục hải quan điện tử. Bởi lẽ, mặc dù thực hiện hải quan điện tử nhưng số lượng giấy tờ cần ký và đóng dấu vẫn còn quá nhiều. Cần giảm thiểu, đơn giản hóa các yêu cầu về chứng từ cần ký, đóng dấu, đặc biệt là bản sao các chứng từ là rất cần thiết đối với DN và việc thực hiện hải quan điện tử cần thuận lợi hơn nữa cho DN. Khi áp dụng tờ khai điện tử và chữ ký số thì cơ quan hải quan nên bỏ công đoạn xác nhận, đóng dấu tờ khai giấy khi thông quan hàng hóa. Ngành Hải quan cần áp dụng đồng bộ hóa kê khai hải quan điện tử, việc bổ sung giấy tờ, hồ sơ cũng nên thông qua hải quan điện tử, thậm chí việc xác nhận thông quan điện tử nên thực hiện qua mạng Internet…Ngoài ra, cần tăng cường đào tạo chuyên môn cho cán bộ hải quan; Nâng cấp hạ tầng CNTT và máy móc, trang thiết bị khác…

Các DN cũng kiến nghị, trong lĩnh vực thuế, cần cải cách công tác tiếp nhận hồ sơ, giải quyết hồ sơ nộp và hoàn thuế, áp dụng và tạo điều kiện hơn nữa cho người nộp thuế trong hoàn thành các hồ sơ nộp thuế, nâng cao việc áp dụng các hình thức khai và triển khai nộp thuế qua mạng, sử dụng dịch vụ tư vấn, khai và nộp thuế.  Xem xét kết hợp các chính sách hỗ trợ DN phù hợp với tình hình thực tế của DN, đặc biệt các DNNVV, khó khăn của nền kinh tế. Các thay đổi về chính sách mới cần tuân thủ theo lộ trình chặt chẽ, đẩy đủ và thông tin rộng rãi đến cộng đồng DN 

Thực tế, hiện có khoảng trên dưới 400 ngàn DN có đóng thuế cho Ngân sách Nhà nước. Đây là con số phản ánh số lượng các DN hiện đang duy trì  hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo được nguồn thu và có đóng góp chung vào Ngân sách quốc gia. Trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều cải cách cả về chính sách và thủ tục hướng đến sự thuận tiện cho cộng đồng DN trong việc tiếp cận và hoàn thiện nghĩa vụ đối với Nhà nước. Việc lắng nghe và đối thoại trực tiếp với cộng đồng DN cũng chính là cách để xem xét lại chính sách và quy trình thủ tục cho DN. Qua đó, giúp cộng đồng DN có cách tiếp cận gần gũi hơn và giải tỏa được các khó khăn vướng mắc kịp thời, tạo lòng tin và sát cánh cùng các cơ quan Nhà nước trong việc hoàn thành các nghĩa vụ và thủ tục.

Quốc Anh – Hoàng Oanh

Hiện tại chưa có phản hồi nào
Hiển thị 0 trong Hiện tại chưa có phản hồi nào phản hồi  
Clip hoạt động Vacod
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Thống kê truy cập
   Trực tuyến : 218
   Truy cập trong ngày : 2363
   Tổng số truy cập : 27950384
Logo thương hiệu Việt