Thành công của người phụ nữ - “Nguồn vốn xã hội” quan trọng 3/27/2014 2:59:06 PM
(DĐDN) - Nếu coi “quyền lực mềm” của phụ nữ như một kỹ năng dẫn đến thành công của phụ nữ trong đời sống kinh tế - xã hội thì cũng cần lưu ý tới những “rào cản mềm” cần gỡ bỏ. Và nếu nhìn vào thành công của phụ nữ trong thời gian vừa qua là một kết quả thì chúng ta phải xem đây như một nguồn vốn xã hội quan trọng cần được khai thác và phát huy.

Để thành công trong sự nghiệp, phụ nữ sẽ phải phấn đấu nỗ lực rất nhiều. Họ không chỉ cần sự nhìn nhận đánh giá đúng từ xã hội mà ngay trong chính gia đình. Đây rất có thể cũng là một “rào cản mềm” đối với phụ nữ, bởi rất có thể họ sẽ phải lựa chọn, quyết định giữa gia đình và công việc?

“Quyền lực mềm”

Việt Nam đứng khoảng 30 trên thế giới, thứ 7 ở châu Á và thứ 2 ở Đông Nam Á về tỉ lệ phụ nữ trong Quốc hội. Nghị trường là nơi đóng góp tiếng nói lớn ở đất nước mà Việt Nam có số lượng phụ nữ như thế là đáng kể. Ở các cấp ủy đảng có tới 9% là nữ và họ cũng có vai trò rất quan trọng. Còn ở cấp tỉnh thì con số đó khoảng dưới 20%, cao hơn của khu vực và các quốc gia trên thế giới. Còn đối với các nhân vật lãnh đạo nữ cấp quốc gia thì ở thời kỳ nào Việt Nam cũng có những những vị tạo được dấu ấn, tiếng nói được chú ý. Trong lĩnh vực kinh tế, những năm gần đây số lượng doanh nhân nữ tham gia điều hành quản lý DN ngày càng lớn, chiếm khoảng ¼ tổng số DN. Nhiều doanh nhân nữ đã khẳng định được vị trên thương trường trong nước và quốc tế. Đưa ra một vài con số thống kê như vậy để thấy rằng phụ nữ ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội.

Lý giải về thành công của phụ nữ trong những năm gần đây người ta thường nói đến khái niệm “quyền lực mềm”. Có nhiều cách lý giải về “quyền lực mềm” chẳng hạn đó khả năng giành được những thứ mình muốn thông qua việc gây ảnh hưởng để khiến người khác làm theo những gì mình muốn. Nhưng có thể hiểu một cách nôm na đó chính là sự mềm mại; khéo léo; độ nhạy cảm, tính thực tế cao, cần cù chịu khó…

Phụ nữ may mắn được tạo hóa ưu ái cho sở hữu cả một kho quyền lực mềm rất kỳ diệu và đó là chất xúc tác quan trọng để họ thành công. Nhưng, được sở hữu và luôn biết sử dụng là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.

Tuy nhiên, “quyền lực mềm” chỉ có thể coi là phần kỹ năng góp phần quan trọng vào thành công của người phụ nữ. Yếu tố quyết định vẫn là năng lực, kiến thức, khả năng tầm soát và sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Cùng với sự thay đổi của đời sống kinh tế xã hội, phụ nữ đã có điều kiện được học tập được trao quyền và có cơ hội thể hiện năng lực của mình. Rõ ràng trên cả kỹ năng đó chính là trí tuệ, tài năng và sự phấn đầu nỗ lực không ngừng của người phụ nữ để khẳng định vai trò vị thế của mình trong xã hội.

Và những “rào cản mềm”

Tuy nhiên, thực tế cũng phản chiếu một bức tranh không thực sự toàn bích đó là đa số những người phụ nữ thành công và cống hiến nhiều cho công việc thường bị hao khuyết về thiên chức ở gia đình. Hiện nay, nhiều phụ nữ bị lệch về thái cực công việc xã hội nên còn ít thời gian cho gia đình. Nhiều người thường lầm tưởng rằng quyền lực, vật chất luôn song hành cùng hạnh phúc gia đình nhưng cuộc sống đôi khi lại chứng minh điều ngược lại. Nếu không biết kiểm soát quyền lực và tự cân bằng cuộc sống thì nó sẽ là con dao hai lưỡi phá vỡ hạnh phúc gia đình. Đây có thể coi là mặt trái của tấm huy chương. Người ta thường nói một cách mặc định, sau thành công của người đàn ông thường có bóng dáng của người phụ nữ vậy thì chúng ta có thể đặt vấn đề ngược lại hay không ? Phải có sự đối thoại, thậm chí là nhân nhượng, thỏa hiệp giữa các thành viên trong gia đình. Có lẽ rằng trong hoàn cảnh này người phụ nữ lại cần phải có sự khéo léo trong việc sử dụng “quyền lực mềm”.

Nói như vậy để thấy rằng, để thành công trong sự nghiệp phụ nữ và sẽ phải phấn đấu nỗ lực rất nhiều. Họ không chỉ cần sự nhìn nhận đánh giá đúng từ xã hội mà ngay trong chính gia đình. Đây rất có thể cũng là một “rào cản mềm” đối với phụ nữ, bởi rất có thể họ sẽ phải lựa chọn, quyết định giữa gia đình và công việc?

Riêng với doanh nhân nữ, để chu toàn cả hai vai, làm người phụ nữ trong gia đình và làm chủ DN, những thành quả của họ lại càng đáng ghi nhận.

Trong một xã hội ảnh hưởng sâu sắc bởi tư tưởng Nho giáo, những phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam là nín nhịn, chịu thương, chịu khó và thấm nhuần sâu sắc đạo lý thánh hiền: xuất giá tòng phu. Ở bình diện này thì họ được ca ngợi hết sức nhưng ở vị thế thay đổi, giải phóng phụ nữ thì đó lại là rào cản. Có thể, nam giới chia sẻ, thu hẹp phạm vi quyền bính nhưng chính người phụ nữ đang tự còng tay họ với suy nghĩ người phụ nữ là của cái bếp và tuyệt vời khi giữ ấm cái bếp đó luôn đỏ lửa chứ không phải chuyện kinh bang tế thế, gồng gánh nuôi con.

Để thay đổi được điều đó không phải một sớm một chiều. Đây không hẳn là tàn dư mà là một cách thường trực. Bản thân phụ nữ cũng có một suy nghĩ là nữ nhi, khi phải lựa chọn giữa công việc và gia đình thì họ lựa chọn gia đình hơn công việc. Mặc dù cũng có có bộ phận phụ nữ cấp tiến khác nhưng trên diện rộng thì phụ nữ Việt Nam vẫn muốn hướng về gia đình.

Mấu chốt vấn đề ở đây chính là thúc đẩy bình quyền và bình đẳng giới. Chúng ta đã có Luật bình đẳng giới nhưng rõ ràng trên thực tế thì vấn chưa tạo ra được một môi trường cở mở. Nếu nhìn vào thành công của phụ nữ trong thời gian vừa qua là một kết quả thì chúng ta phải xem đây như một nguồn vốn xã hội quan trọng cần được khai thác và phát huy. Ai cũng có vốn xã hội nhưng mức độ, quy mô, tính chất khác nhau. Vốn xã hội của mỗi con người không tự nhiên mà có. Nó được tạo nên từ việc tiếp thu nền giáo dục, rèn luyện và nỗ lực. Tuy lúc sinh ra bình đẳng như nhau, nhưng sau này có bình đẳng về mặt cơ hội hay không lại là chuyện khác. Một cá nhân nếu phải gánh chịu các rủi ro hoặc bị sống trong một môi trường không thuận lợi và không cố gắng thì vốn xã hội sẽ kém hơn. Vị thế, tiếng nói và mối quan hệ có quan hệ tương thích với nhau. Con người có vị thế nào đó thì sẽ có nguồn vốn xã hội tương ứng. Bất bình đẳng về vị thế, tiếng nói và mối quan hệ đang tồn tại và độ doãng ra ngày càng lớn, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thị trường. Thực tế trên đòi hỏi các nhà quản lý, các nhà hoạch định cần có những hoạch định và thực thi để làm sao phát huy hơn nữa vai trò, năng lực của người phụ nữ trong xã hội hiện đại, coi đây như một nguồn vốn xã hội đặc biệt quan trọng.

Chuyển lượng thành chất

Các số liệu thống kê cho thấy, VN hiện đang đứng đầu khu vực về tỉ lệ lãnh đạo DN cấp cao là nữ. Theo công thống kê của VCCI, ở VN hiện nay cứ 4 doanh nhân thì có một người là nữ. Những DN do chị em làm chủ phần lớn thuộc khu vực DN nhỏ và vừa, khu vực sử dụng nhiều lao động, liên quan đến lĩnh vực thương mại, dịch vụ, nhiều DN hoạt động ở vùng sâu vùng xa.

Thậm chí, theo một công bố khá thú vị được Cty tư vấn và kiểm toán Grant Thornton VN rút ra từ báo cáo kinh doanh toàn cầu, khảo sát về phong cách lãnh đạo của các nữ giám đốc điều hành (CEO) ở các thị trường mới nổi công bố cách đây không lâu thì tại VN có tới 33% các lãnh đạo DN cấp cao là nữ. Trong khi đó, trong khối G7 chỉ có 21% các vị trí cấp cao trong nhóm do phụ nữ đảm nhận và 22% trong khu vực đồng Euro. Riêng ở cấp hội đồng quản trị, 26% thành viên hội đồng quản trị trong khối BRIC là phụ nữ, so với chỉ 16% trong nhóm G7 và 19% trên toàn cầu. Bà Francesca Lagerberg, Giám đốc dịch vụ thuế toàn cầu của Grant Thornton cho rằng: Kết quả khảo sát không gây bất ngờ và tỉ lệ các lãnh đạo DN nữ tại các thị trường mới nổi được ủng hộ nhiều hơn nhờ vào phong cách lãnh đạo. Các lãnh đạo nữ thể hiện sự cởi mở hơn trong việc học tập, tỏ ra sáng tạo hơn và đặt niềm tin vào phán đoán của mình.

Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI: các DN do chị em làm chủ đã từng bước tái cấu trúc bộ máy sản xuất, định hướng lại và lựa chọn hướng đầu tư phù hợp để tạo sức sống mới cho DN. Bởi vậy trong giai đoạn khó khăn vừa qua dường như tỉ lệ DN do doanh nhân nữ rời bỏ thị trường cũng thấp hơn so với nam giới. Mặc dù các lãnh đạo DN là nữ tại VN rất đề cao tính sáng tạo và tin vào trực giác. Có đến 94% người được hỏi tin vào tầm quan trọng của sự sáng tạo và 98% xem trọng khả năng phán đoán khi lãnh đạo DN. Với con số này, VN là nước dẫn đầu toàn cầu tin tưởng rằng, trực giác là yếu tố quan trọng với nhà lãnh đạo giỏi.

Tuy nhiên cũng theo công bố của Grant Thornton, tỉ lệ phần trăm các nhà lãnh đạo DN đã từng đào tạo hoặc được đào tạo về kỹ năng lãnh đạo tại VN thấp nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chỉ có 20% (tỉ lệ tương ứng trong khối ASEAN 44%, Mỹ Latin 43% và châu Á - Thái Bình Dương là 41%). Bà Nancy McKinstry, CEO của Wolters Kluwer, một Cty xuất bản và thông tin của Hà Lan cho biết: Khi chúng tôi nghiên cứu về lãnh đạo của 2000 Cty hàng đầu thế giới, chúng tôi chỉ thấy 29 CEO là phụ nữ (1,5%). Một khác biệt đáng kể giữa nam và nữ CEO là phụ nữ gần như phải cố gắng gấp đôi nam giới để được bổ nhiệm làm CEO.

Mọi so sánh đều khập khiễng nhưng đưa ra một vài con số thống kê trên để thấy rằng ngay cả đối với những nền kinh tế phát triển vẫn có những sự bất bình đẳng giữa doanh nhân nam và doanh nhân nữ. Nó cũng cho thấy một bức tranh phát triển nhanh về sô lượng doanh nhân nữ của VN nhưng đồng thờichỉ ra những điểu yếu cần khắc phục.

Tại buổi gặp mặt 100 doanh nhân nữ tiêu biểu mới đây, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao nỗ lực vượt khó của các doanh nhân, DN đã trụ vững và tiếp tục phát triển trong năm qua và những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, Chủ tịch nước lưu ý, chúng ta đã và đang mở rộng quan hệ với rất nhiều nước, đây là những là những thị trường đầy tiềm năng đòi hỏi mỗi DN cần chủ động nâng cao sức cạnh tranh của DN để nắm bắt cơ hội vừa đứng vững ở thị trường trong nước, đồng thời thâm nhập vào thị trường các nước khác. Đó chính là điều sống còn của mỗi DN.

Ngoài những nỗ lực tự thân DN, ở góc độ xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: Với sự tham gia của doanh nhân vào hoạt động của Quốc hội công tác lập pháp, đặc biệt là các chính sách pháp luật liên quan đến DN vừa được sửa đổi, bổ sung thời gian qua như Luật đấu thầu, Luật thuế thu nhập DN, Luật thuế GTGT… sẽ ngày càng được điều chỉnh, hoàn thiện, hỗ trợ tối đa cho DN trong sản xuất kinh doanh, mở rộng đường cho DN hội nhập khu vực và quốc tế.

Nếu đem đối chiếu với chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011- 2020 là “tỷ lệ nữ làm chủ DN đạt 30% vào năm 2015 và từ 35% trở lên vào năm 2020” thì rõ ràng kết mà doanh nhân nữ đạt được trong giai đoạn vừa quả đáng khích lệ. Đây được coi là nền tảng để VN có thể đẩy mạnh phát triển cả về lượng và chất lãnh đạo nữ trong DN.

Phan Nam

TS. Trịnh Hòa Bình

Hiện tại chưa có phản hồi nào
Hiển thị 0 trong Hiện tại chưa có phản hồi nào phản hồi  
Clip hoạt động Vacod
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Thống kê truy cập
   Trực tuyến : 115
   Truy cập trong ngày : 6162
   Tổng số truy cập : 27982390
Logo thương hiệu Việt