Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Nên hướng đến ‘cần câu’ thay vì ‘con cá’ 10/31/2016 2:41:25 PM
Việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) bằng giảm lãi suất cho vay hay giảm thuế chỉ là giải pháp trước mắt. Về lâu dài, các chính sách hỗ trợ của nhà nước cần tập trung vào các biện pháp hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN).

Đây là nội dung được trao đổi, thảo luận tại Hội thảo tham vấn ý kiến cộng đồng DNNVV về Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV do Hiệp hội DNNVV Việt Nam phối hợp với một số đơn vị tổ chức vào ngày 29/10, tại Hà Nội.

Giảm lãi suất, giảm thuế không phải là biện pháp lâu dài

Ông Nguyễn Hoa Cương - Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp- Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV quy định cụ thể về các nội dung hỗ trợ cơ bản dành cho DNNVV.  

Theo đó, các nội dung hỗ trợ bao gồm: hỗ trợ gia nhập và rút khỏi thị trường; hỗ trợ tiếp cận tín dụng ngân hàng, quỹ; hỗ trợ thuế TNDN; hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh; hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ…

Bình luận về nội dung dự thảo luật xung quanh các quy định về hỗ trợ tài chính, tín dụng luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cho rằng, việc hỗ trợ DNNVV thông qua giảm lãi suất cho vay hay giảm thuế chỉ là giải pháp trước mắt, có tính giai đoạn chứ không mang tính bền vững, lâu dài.

Cụ thể theo ông Đức, việc hỗ trợ lãi suất trực tiếp từ ngân sách hay yêu cầu ngân hàng giảm lãi suất là cơ chế mang tính hành chính và bao cấp sẽ gây khó khăn cho hoạt động của ngân hàng, làm méo mó cung cầu và quan hệ tín dụng; đồng thời không phù hợp với kinh tế thị trường, dễ nảy sinh tiêu cực, tạo tâm lý ỷ lại, xin cho… vì vậy không có tác dụng hỗ trợ DN về chiều sâu và lâu dài.

“Cần giảm thiểu việc hỗ trợ DN bằng lãi suất, mà cần tập trung vào các biện pháp hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động và năng lực cạnh tranh của DN, từ đó “sức khỏe” của DN sẽ nâng lên kéo theo DN dễ dàng tiếp cận vốn vay với lãi suất thấp. Khi đó, ngân sách tăng thu thay vì phải chi lại hỗ trợ lãi suất cho DN và ngân hàng sẽ tự nguyện, tích cực tạo mọi điều kiện thuận lợi, tạo ra sản phẩm, quy trình phục vụ tốt nhất và cho vay ưu đãi lãi suất cho nhiều DNNVV”- ông Đức nhấn mạnh.

hội thảo 

 Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Diệu Thiện

Đối với quy định về hỗ trợ tài chính thông qua việc giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), theo ý kiến của ông Đức, cần xem xét lại việc quy định giảm thuế suất thuế TNDN cho DNNVV. Bởi, theo ông Đức, các cơ quan quản lý đã phải mất nhiều năm để đưa thuế TNDN về một mức chung cho tất cả các loại hình DN, kể cả DN có vốn đầu tư nước ngoài và hợp tác xã.

“Việc quy định giảm thuế cho đối tượng DNNVV là không hợp lý, không bình đẳng, ảnh hưởng đến chính sách thuế. Đồng thời, điều này còn dẫn đến việc kìm hãm DN vừa phát triển thành DN lớn, vì DN gần đến ngưỡng DN lớn, nếu giữ lại ở quy mô vừa thì có thể được lợi hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng tiền thuế TNDN”- ông Đức chia sẻ.

Cần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp

Bình luận về hướng hỗ trợ DNNVV, ông Đức cho rằng, cần hạn chế tối đa, thậm chí cắt bỏ loại hỗ trợ giảm chi phí (thông qua việc giảm lãi suất) và hỗ trợ giảm nghĩa vụ nộp ngân sách (thông qua việc giảm thuế TNDN), bởi việc hỗ trợ trực tiếp bằng tiền giống như việc cho “con cá” chứ không phải cho “cần câu”.

Thay vào đó, cần tập trung vào hỗ trợ những nội dung không trực tiếp về tiền bạc như: quy định trình tự, thủ tục, chế độ kế toán theo hướng đơn giản, tạo thuận lợi cho DNNVV. Hay cần tập trung vào các quy định hỗ trợ các vấn đề mà DNNVV gặp nhiều hạn chế, vướng mắc như như công tác quản trị DN, quản lý lao động, tiền lương, vướng mắc về các thủ tục pháp lý… để hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN ngày một hiệu quả, chất lượng.

Đứng từ góc độ cơ quan soạn thảo luật, ông Nguyễn Hoa Cương cho rằng, việc hỗ trợ DNNVV cần được thực hiện xuyên suốt với nhiều biện pháp khác nhau, trong đó có các giải pháp về hỗ trợ tài chính. Tuy nhiên, các biện pháp hỗ trợ thông qua ngân sách khó bền vững và còn phụ thuộc vào ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ.  

Vì vậy, điều quan trọng hơn là nhà nước cần gia tăng những giải pháp hỗ trợ để nâng cao năng lực cạnh tranh thực sự của DN như hỗ trợ về đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ tiếp cận đổi mới khoa học công nghệ, hỗ trợ xúc tiến mở rộng thị trường, hỗ trợ về tư vấn theo nhu cầu của từng nhóm DN…

Đồng quan điểm, từ góc độ DN, ông Lương Văn Thắng - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Khóa Việt Tiệp cho rằng, việc hỗ trợ thông qua giảm lãi suất cho vay hay giảm thuế sẽ góp phần giảm chi phí cho DN. Tuy nhiên, đối với từng DN những mong muốn hỗ trợ của họ lại khác nhau.

“Đối với nhiều DNNVV, đặc biệt là những DN mới đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, những khó khăn đầu tiên, lớn nhất thường là về vấn đề quản trị DN, nhà xưởng, lao động… vấn đề lãi suất hay thuế đôi khi không phải là vấn đề quá lớn hay được quan tâm đầu tiên. Do đó, điều quan trọng nhất là các chính sách hỗ trợ của nhà nước nên hướng theo nhu cầu, theo mong muốn của từng nhóm đối tượng DN. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ cần được triển khai sâu rộng, thực chất và có hiệu quả trên thực tế chứ không chỉ nằm ở những sự hỗ trợ “trên giấy”- ông Thắng nhận định./.




Theo Thiện Trần(Thời báo tài chính Việt nam)
Hiện tại chưa có phản hồi nào
Hiển thị 0 trong Hiện tại chưa có phản hồi nào phản hồi  
Clip hoạt động Vacod
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Thống kê truy cập
   Trực tuyến : 209
   Truy cập trong ngày : 2392
   Tổng số truy cập : 27985108
Logo thương hiệu Việt