Hải quan Việt Nam xác định 4 ưu tiên năm APEC 2017 2/9/2017 9:58:19 AM
Chuẩn bị cho Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2017 (tại Đà Nẵng), Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ tổ chức một số hoạt động quan trọng.
trang 5
Ảnh minh họa

Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thương mại là mục tiêu được ngành Hải quan tiên trong năm 2017.

Phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Dương Văn Tâm - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Tổng cục Hải quan xung quanh vấn đề này.

PV: Sự kiện APEC có tác động thế nào đến hoạt động kinh tế của Việt Nam và hoạt động của ngành Hải quan trong năm 2017, thưa ông?

Ông Dương Văn Tâm: Việt Nam đã nhận chuyển giao từ Peru để đăng cai tổ chức APEC 2017. Đây là lần thứ hai sau hơn 10 năm Việt Nam đăng cai tổ chức APEC (2006) và là dấu mốc quan trọng kỷ niệm 20 năm Việt Nam gia nhập APEC. Với trọng trách được giao, Tổng cục Hải quan đã tổ chức các cuộc họp với các cơ quan chức năng xác định chủ đề và ưu tiên về hợp tác hải quan, sẽ diễn ra trong nghị sự của APEC 2017.

Đến nay, Hải quan Việt Nam đã xác định được các ưu tiên sẽ đưa ra đàm phán tại các cuộc hội nghị phục vụ cho tuần lễ cấp cao APEC, dự kiến vào tháng 11/2017, tại TP Đà Nẵng. Cụ thể, với chủ đề "Tạo thêm động lực mới, cùng vun đắp tương lai", APEC 2017 tập trung 4 ưu tiên chính: Đẩy mạnh tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; tăng cường liên kết kinh tế và hội nhập khu vực sâu rộng; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ thông qua việc hỗ trợ để tăng cường tính cạnh tranh, sáng tạo và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trên cơ sở các chuỗi hoạt động của APEC 2017 tại Việt Nam, Hải quan Việt Nam sẽ triển khai một số hoạt động trong khuôn khổ Cuộc họp Ủy ban Thương mại và Đầu tư (CTI); chủ trì tổ chức các cuộc họp Nhóm Tiểu ban Thủ tục Hải quan (SCCP), diễn ra vào cuối tháng 2 tại Nha Trang và tháng 8 tại TP. Hồ Chí Minh.

SCCP APEC 2017 sẽ tập trung bàn luận liên quan đến vấn đề ưu tiên như: Tạo thuận lợi hóa thương mại trong khuôn khổ WTO; phát triển chương trình doanh nghiệp ưu tiên thúc đẩy thương mại điện tử qua biên giới; chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, đặc biệt là đề xuất xây dựng Cơ chế một cửa APEC.

Ngoài việc chủ trì tổ chức SCCP, Hải quan Việt Nam sẽ chủ trì tổ chức hội nghị đối thoại hải quan - doanh nghiệp và đồng chủ trì tổ chức cuộc họp nhóm chuyên gia về buôn bán gỗ bất hợp pháp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cuộc họp Liên minh An ninh chuỗi cung ứng cùng Bộ Công thương.

PV: Trong số rất nhiều hoạt động nêu trên, Hải quan Việt Nam sẽ đưa ra sáng kiến nào để góp phần thúc đẩy mối quan hệ của các nước APEC, thưa ông?

Ông Dương Văn Tâm: Thông qua các cuộc họp SCCP, cơ quan hải quan đã xác định được 2 ưu tiên về hợp tác hải quan để đưa ra đề xuất khi tham gia APEC 2017, đó là đảm bảo an ninh thương mại trong kết nối chuỗi cung ứng; trong đó nhấn mạnh việc triển khai các biện pháp phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống hàng giả, hàng nhái và tạo thuận lợi thương mại thông qua tăng cường triển khai và hoàn thiện kết nối cơ chế một cửa.

Với nội dung ưu tiên này, Hải quan Việt Nam mong muốn các nền kinh tế thành viên cùng trao đổi và đưa ra các đề xuất, khuyến nghị và sáng kiến trong thực hiện kết nối cơ chế một cửa và phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, nhằm thực hiện tốt vai trò quan trọng của cơ quan hải quan trong hợp tác tạo thuận lợi và đảm bảo an ninh thương mại trong kết nối chuỗi cung ứng khu vực.

Với ưu tiên về chống buôn lậu, gian lận thương mại là vấn đề nóng, chúng tôi cũng muốn lắng nghe các bình luận, nhận xét của cộng đồng quốc tế để phục vụ tốt hơn cho hoạt động hải quan, tạo thuận lợi cho thương mại nhưng cũng phải đảm bảo an ninh, an toàn xuất nhập khẩu.

Đồng thời, việc xây dựng và hình thành Cơ chế một cửa APEC sẽ là sáng kiến ưu tiên được Hải quan Việt Nam đặc biệt quan tâm đề xuất, khi tham gia SCCP APEC 2017.

PV: Hiện tại, đang gia tăng xu hướng bảo hộ. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến tạo thuận lợi thương mại trong nhóm các nước APEC. Ông nhận định vấn đề này thế nào?

Ông Dương Văn Tâm: APEC là một diễn đàn kinh tế mở, nhằm xúc tiến các biện pháp kinh tế, thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa các nền kinh tế thành viên trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện, thực sự mở cửa đối với tất cả các nước và khu vực khác. Mặc dù vẫn có xuất hiện việc bảo hộ, song điều này sẽ được các quốc gia cân nhắc vì sự phát triển thịnh vượng của các nước trong APEC.

APEC 2017 nói chung, SCCP APEC 2017 nói riêng sẽ là cơ hội để các nền kinh tế tiếp tục đối thoại và trao đổi, tạo thêm động lực kết nối khu vực và đẩy mạnh hội nhập khu vực sâu rộng… Đây cũng là cơ hội để các nền kinh tế nhỏ đối thoại, tìm ra tiếng nói chung với các nền kinh tế lớn, trên cơ sở hài hòa lợi ích, hạn chế, ngăn ngừa các hành vi bảo hộ, gây phương hại đến tạo thuận lợi thương mại.

PV: Xin cảm ơn ông!

 

APEC hiện có 21 thành viên, chiếm khoảng 52% diện tích lãnh thổ, 59% dân số, 70% nguồn tài nguyên thiên nhiên trên thế giới và đóng góp khoảng 55% GDP toàn cầu và gần 43% thương mại thế giới. Tiềm năng của các quốc gia APEC là rất lớn, đã và đang mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy hoạt động kinh tế mà các quốc gia thành viên APEC có thể tận dụng được.


 

Theo Hải Linh (TC)
Hiện tại chưa có phản hồi nào
Hiển thị 0 trong Hiện tại chưa có phản hồi nào phản hồi  
Clip hoạt động Vacod
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Thống kê truy cập
   Trực tuyến : 995
   Truy cập trong ngày : 6610
   Tổng số truy cập : 27965242
Logo thương hiệu Việt