FDI phân hoá mạnh: Tích cực hay đáng lo? 7/29/2015 4:33:25 PM
Một nguyên nhân của sự chững lại của dòng vốn FDI bắt nguồn từ môi trường kinh doanh có dấu hiệu kém hấp dẫn thực sự đáng lo ngại.
FDI phân hoá mạnh: Tích cực hay đáng lo?
Ảnh minh họa

“Chúng tôi xây dựng bộ quy chế về lao động của riêng công ty nhưng rất khó khăn, vướng đủ đường, ở tỉnh nào cũng bị Ban Quản lý khu công nghiệp “tuýt còi” vì đủ thứ lý do”, ông Nguyễn Văn Hồng, Trợ lý Trưởng ban Nguồn lực nhân sự, Tập đoàn Prime (Thái Lan) mở đầu câu chuyện bằng những tiếng than thở.
Sở dĩ quy chế lao động của DN không được thông qua, là bởi không thể đáp ứng các nội dung mà theo lãnh đạo tập đoàn này là rất trái khoáy. Chẳng hạn Điều 110 của Bộ luật Lao động quy định DN bố trí nghỉ vào ngày chủ nhật hoặc một ngày cố định trong tuần. Cơ quan quản lý lao động đã chiếu theo chữ “cố định” để buộc DN phải “chốt” ngày nghỉ vào một ngày cụ thể trong tuần và áp dụng với tất cả công nhân. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho DN có tới 4.000 lao động như Tập đoàn Prime.
“Mùa cao điểm công nhân phải thay phiên nhau làm mới đáp ứng kịp đơn hàng, nếu đồng loạt nghỉ thì sản lượng sụt giảm, còn tuyển người chỉ để phục vụ cho ngày nghỉ thì rất tốn kém. Chúng tôi cam đoan sẽ bố trí nghỉ đúng số ngày công, chứ nghỉ cố định thì không thể làm được, song không được chấp nhận”, ông Hồng giải thích.
Vị này bức xúc đặt câu hỏi: Không biết người soạn thảo quy định này có hiểu đặc thù công việc của DN không? Hay người thực thi cố tình hiểu sai quy định? “Tôi không biết giải thích thế nào khi tổng giám đốc bên tôi là người nước ngoài hỏi tại sao Việt Nam lại có quy định vô lý như vậy?”, ông Hồng tiếp lời.
Vị tổng giám đốc người Thái Lan đã có gần 3 năm hoạt động tại Việt Nam, qua lời kể của cấp dưới, cho rằng đây chỉ là một trong nhiều biểu hiện bất nhất của cơ quan quản lý. Không chỉ trong chính sách lao động, nhiều quy định hiện nay đang làm khó DN. Điều này thể hiện quá trình hoạch định và thực thi các chính sách tại Việt Nam còn thiếu rõ ràng, kém minh bạch.
Điều đáng nói cảm nhận của các DN FDI đã hoạt động lâu năm tại Việt Nam về tính minh bạch cũng đang có phần giảm sút, theo Khảo sát Thay đổi cảm nhận về nhà nước và thị trường của người Việt Nam (CAMS) năm 2014, do VCCI và Ngân hàng Thế giới công bố mới đây.
Ghi nhận chung từ tất cả các đối tượng tham gia khảo sát đều cho thấy tỷ lệ đánh giá tính minh bạch cao đang giảm xuống theo thời gian. Trong đó, tỷ lệ này giảm mạnh nhất ở khối DN FDI, chỉ còn ở mức 5% (giảm từ 16% năm 2011). DN FDI cũng là nhóm có tỷ lệ cao nhất đồng ý với nhận định quá trình hoạch định và thi hành chính sách của Việt Nam vẫn còn khép kín, ở mức 61%. Con số này đã tăng tới 18% so với năm 2011, được đánh giá là khá nhanh.
Sự sụt giảm lòng tin vào tính minh bạch trong giai đoạn vừa qua, có vẻ cũng liên quan ít nhiều tới sụt giảm vốn đăng ký FDI vào Việt Nam, đặc biệt là vốn tăng thêm. Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy trong 7 tháng đầu năm 2015, tổng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm vẫn tiếp tục đà giảm từ hồi đầu năm và chỉ bằng 92,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu bóc tách, thì số vốn đăng ký mới vẫn tăng khoảng 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Phần giảm mạnh rơi vào vốn tăng thêm. Trong 7 tháng, con số này chỉ là 1,8 tỷ USD, giảm tới 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một chuyên gia về FDI phân tích, nhiều DN phải đặt chân vào chính thức hoạt động mới thấm thía được tính minh bạch cùng với các vấn đề khác của môi trường kinh doanh, có thể ảnh hưởng không tốt thế nào tới hoạt động của DN. Vì vậy họ dè dặt hơn khi tính tới chuyện tăng thêm vốn.
Ở một góc nhìn khác, những chuyển động vốn FDI vào Việt Nam trong những tháng đầu năm 2015 đang có sự phân hoá khá rõ nét. Chủ yếu là theo sự dịch chuyển chủ động của chuỗi giá trị sản xuất mà DN khởi xướng, như trường hợp NĐT từ Hàn Quốc, Nhật Bản. Hoặc dịch chuyển vào một ngành cụ thể là dệt may, nhờ lợi thế từ mở cửa hội nhập sâu rộng. Trong khi các nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư chưa có nhiều biến chuyển, thậm chí có yếu tố còn thụt lùi, khiến cho các NĐT đã và đang hoạt động tại Việt Nam lo ngại nhiều hơn.
Những luồng ý kiến phân tích gần đây về FDI cho thấy, hiện còn quá sớm để đánh giá sự chững lại và phân hoá mạnh hơn của dòng vốn FDI là tích cực hay đáng lo ngại. Bởi thu hút FDI cũng đã đến thời điểm cần chọn lọc để tránh bội thực vốn. Tuy nhiên một nguyên nhân khác của sự chững lại này bắt nguồn từ môi trường kinh doanh có dấu hiệu kém hấp dẫn, lại thực sự đáng lo ngại.
 

Theo Thời báo Ngân hàng

Hiện tại chưa có phản hồi nào
Hiển thị 0 trong Hiện tại chưa có phản hồi nào phản hồi  
Clip hoạt động Vacod
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Hiệp hội phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD)
Thống kê truy cập
   Trực tuyến : 755
   Truy cập trong ngày : 1963
   Tổng số truy cập : 27999669
Logo thương hiệu Việt