Dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế, làm xáo trộn hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN). Các DN ngành công nghiệp hiện đang lo lắng vì nguy cơ cạn kiệt nguồn nguyên liệu cho sản xuất, khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ.
Thiếu nguyên liệu khiến DN khó sống
Ông Trần Đức Hà, chủ DN sản xuất đồ nhựa tại tỉnh Vĩnh Phúc cũng cho biết, từ khi có dịch đến nay, DN ông đã phải tạm ngưng 50% công suất hoạt động. “DN đang quá khó khăn vì đại dịch này, tất cả các hợp đồng trong 2 quý đầu năm nay đã bị khách hàng hủy hết. DN không có đơn hàng nhưng vẫn phải trả lương cho công nhân để đảm bảo đời sống cho anh em. Nếu dịch này còn kéo dài, thực sự DN khó sống”, ông Hà nói.
Ngành sản xuất thép cũng không nằm ngoài những khó khăn bởi dịch bệnh, khi nhiều thị trường đã có sự kiểm soát gắt gao hơn đối với hàng hóa và người trong quá trình xuất khẩu. Ngoài ra, nhiều công trình xây dựng trong nước, ngoài nước sử dụng thép cũng bị trì trệ, khiến cho nhu cầu sử dụng thép giảm so với cùng kỳ năm trước.
|
Nhiều DN chủ động tìm nguồn nguyên vật liệu cho sản xuất trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan rộng. |
Theo ông Trịnh Khôi Nguyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, dịch Covid-19 đang tác động đến ngành thép trong nước ở cả chiều sản xuất và tiêu thụ. Cụ thể, ở chiều hướng tiêu thụ sản phẩm, các DN trong ngành thép 2 tháng đầu năm đã chứng kiến sự sụt giảm sản lượng đáng kể.
Ở chiều nhập khẩu, do ảnh hưởng của chuỗi cung ứng, khi các thị trường trên thế giới đều nằm trong tình trạng kiểm soát bệnh dịch, khiến nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất ngành thép bị gián đoạn, đặc biệt là các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Số liệu từ Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho thấy, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đa số các DN ngành dệt may và da, giày chỉ dự trữ nguyên phụ liệu tới đầu tháng 3/2020 hoặc đầu tháng 4/2020. Do đó, thiếu nguyên phụ liệu sẽ khiến khả năng nhiều DN trong những ngành này phải tạm ngừng sản xuất là rất lớn.
Là DN chuyên cung cấp mặt hàng may mặc và đồ da cao cấp, Công ty CP Kết nối châu Âu - Eurolink (Khu công nghiệp Hoàng Mai, Hà Nội) cũng gặp phải khó khăn về vấn đề nguyên phụ liệu. Ông Nguyễn Hữu Thành, Giám đốc Công ty cho hay, tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đang khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của Quý I/2020 gặp khó khăn.
“Các kế hoạch của Nhà máy tham gia các chương trình triển lãm phục vụ cho việc phát triển giai đoạn 2020 - 2025, các hội chợ kết nối giao thương... cũng bị ảnh hưởng. DN sẽ điều chỉnh mục tiêu, kế hoạch để phù hợp hơn với tình hình thực tế cũng đang tìm hiểu về vật tư, nguyên phụ liệu từ các thị trường như Ấn Độ, châu Âu… để duy trì sản xuất”, ông Nguyễn Hữu Thành chia sẻ.
DN cần chính sách hỗ trợ cụ thể
Thời gian qua, nhiều DN và Hiệp hội ngành hàng đã có kiến nghị với các Bộ, ngành và Chính phủ về việc bảo đảm nguồn nguyên phụ liệu, linh phụ kiện đầu vào sản xuất cho các DN công nghiệp trong nước.
Hiệp hội Thép Việt Nam và các DN trong ngành đề xuất Chính phủ có các giải pháp hỗ trợ cụ thể bằng các chính sách về tài chính, tín dụng, giảm lãi suất, giãn nợ; đồng thời, có chỉ đạo, giải pháp trong việc thông quan hàng hóa, đáp ứng nhu cầu sản xuất của DN.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đánh giá, khi guồn nguyên liệu của ngành dệt may, da giày có một tỷ lệ đáng kể đến từ Trung Quốc, việc xảy ra dịch Covid-19 sẽ khiến khâu cung ứng nguyên liệu bị ảnh hưởng.
“Để ứng phó với tình huống xấu nhất, hiện một số doanh nghiệp dệt may, da giày đang tính đến phương án nhập nguyên phụ liệu từ các quốc gia khác như Hàn Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Brazil... nhằm bù đắp nguồn nguyên liệu thiếu hụt cho sản xuất”, ông Cẩm cho hay.
Theo ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), để gỡ khó cho các DN, Cục sẽ tiếp tục có các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ các DN trong việc chủ động tìm nguồn cung cấp nguồn nguyên phụ liệu thay thế; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường xuất khẩu để các ngành hàng dần bớt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, đặc biệt là tận dụng các FTAs mà Việt Nam mới gia nhập như CPTPP, EVFTA.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng đã ban hành Chỉ thị số 06 về việc tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của ngành Công Thương trước những diến biến mới của dịch bệnh Covid-19.
Trong đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị có liên quan rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp, nhất các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trong phạm vi và lĩnh vực quản lý. Đặc biệt, Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan tiếp tục bảo đảm thông quan, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa; phối hợp, hỗ trợ các tỉnh biên giới để hoạt động thông quan hàng hóa được thuận lợi.
Đồng thời, phối hợp với các địa phương, đề xuất biện pháp để phát triển mạnh các vùng sản xuất, các khu công nghiệp, khu kinh tế để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước; đề xuất các chính sách để ưu đãi phù hợp, trước hết là đối với ngành dệt may, da giày và các ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19; có cơ chế khuyến khích sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian trong nước thay thế nhập khẩu.
Bên cạnh những giải pháp chủ động từ phía DN, nhiều ý kiến cho rằng, hơn lúc nào hết, đây là thời điểm cần sự chung tay của nhà quản lý trong việc hỗ trợ DN tiếp cận các chính sách ưu đãi, các gói hỗ trợ để DN có thể tiếp cận đổi mới công nghệ. Hay việc hỗ trợ đầu ra từ các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia của Chính phủ cần thiết thực, thay vì chỉ dừng lại ở khâu quảng bá, hỗ trợ kết nối như hiện nay./.
Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN